Chuyện giật đồ cúng cô hồn, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa

14/3/16
(iini.net) Thưở còn thiếu thời, lão cũng giống những đứa trẻ nít khác sống ở xóm lao động nghèo gần miệt Bình Hoà, nơi có mộ phần của đức Tả quân Lê Văn Duyệt mà người Việt và người Hoa tôn kính gọi là Lăng Ông. Một thời, cổng tam quan của Lăng được xem là biểu tượng của đất Gia Định. Phía đông của Lăng là khu vực chợ Bà Chiểu, nơi mà bà con người Việt và người Hoa tại chỗ cũng như dân tứ xứ đến để họp chợ buôn bán. Phải nói thời ấy cuộc sống tuy khó khăn vất vã nhưng được cái là nó vui, nhất là đối với những đứa trẻ nít ăn chưa no lo chưa tới như bọn lão. Khi hè về cũng là lúc bế giảng niên học cũ, học trò được chơi rong suốt ba tháng hè làm gì có chuyện học thêm, mỗi trò chơi bắn bi, đánh đáo, tạt lon, thảy mức, đập hình thú ... Đều mang màu sắc ăn thua mà vật chung chi là những viên bi, bao thuốc lá (rỗng), hình thú (nhỏ bằng nhựa) ... Và một trong những hoạt động không thể thiếu trong ba tháng hè chính là mùa "giật cô hồn".

Chuyện giật đồ cúng cô hồn, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa

Hồi đó, bọn lão không hề biết đại lễ Vu Lan, ngày Xá Tội Vong Nhân là ngày gì ? chỉ biết đến rằm tháng bảy là rủ nhau đi giật cô hồn, từ con nít 6,7 tuổi đến 15, 18 tuổi, thậm chí thanh niên lớn hơn, có gia đình rồi vẫn giật cô hồn. Đồ cúng của bà con xóm lao động nghèo tuy không mâm cao cổ đầy nhưng rất đa dạng, phong phú, tuỳ vào khả năng kinh tế và tính chất cầu khấn của mỗi hộ gia đình mà bọn con nít phân loại là cúng lớn hay cúng nhỏ. Đồ cúng được bày biện thành một mâm cúng đặt trước nhà, trên mâm nào là cóc, ổi, mía, chuối, đậu phộng luộc (lạc) ... Nhiều gia đình khá giả có thêm cam, quýt, măng cụt, mãng cầu (na) cung cấp thêm vitamin làm tăng thêm tính hiếu động và hấp dẫn khi giật. Sự cạnh tranh sức mạnh của tụi nhóc thật sự "khốc liệt" là tuỳ thuộc vào chất lượng của mâm đồ cúng.

Sau khi gia chủ cúng và đốt giấy tiền vàng bạc (hàng mã) xong thì mới được giật, thật là sốt ruột khi phải chờ nhang tàn, có nhiều gia chủ chỉ cho nhang cháy đến 1/3 hay 2/3 cây nhang là có thể giật được rồi. Thời gian chờ nhang tàn càng lâu thì nguy cơ bọn nhóc kéo đến càng đông làm tăng tỷ lệ hơn thua giành giật. Nhưng bọn trẻ thời ấy cũng không vừa gì, có những gia chủ chưa kịp thắp nhang là "cô hồn sống" đã nhào vô giật tá lã âm binh, đành phải cúng lại. Sau này một số gia chủ cảnh giác cúng trong nhà hoặc trong sân, đóng cửa rào lại, cúng trên ban công, sân thượng, cúng xong mở của cho cô hồn sống vào giật. Có những gia chủ là người hoa buôn bán, họ cúng rất lớn đốt vàng mã rất nhiều, bọn lão không phân biệt được mâm nào là cúng gia tiên, đất đai, mâm nào là cúng cô hồn, tất cả đều như nhau giật tất tần tật ... Ôi thôi heo quay, gà luộc, bộ tam sên (miếng thịt, con tôm, trứng) thật là rôm rả và náo nhiệt. Những gia chủ sống khép kín thì âm thầm cúng dăm ba chén cháo loãng, đường thẻ, dăm ba chén chè, xôi, cúng xong gọi bọn trẻ trong xóm vào ăn trong sự chi phối có trật tự của chủ nhà.

Kỷ niệm tuổi thơ với những tháng ngày rong chơi thật là thú vị, con nít thì không thể nào phân biệt được đâu là mê tín, đâu là mỹ tục, phân tích ý nghĩa này, ý nghĩa nọ. Chỉ biết rằng sau này khi đã có ăn học đàng hoàng mới biết ngày Xá Tội Vong Nhân là ngày thể hiện tấm lòng từ bi hỷ xả đối với các vong linh, oan hồn. Xa hơn nữa nó mang một nét văn hoá bao dung độ lượng, biết mủi lòng trước những hoàn cảnh éo le, cơ nhỡ, nuôi dưỡng quan điểm "uống nước nhớ nguồn" "lá lành đùm lá rách", cộng hưởng với Đại lễ Vu lan - thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với những tổ tiên, các bậc sinh thành, thì quả thật Rằm Tháng Bảy mang đậm một nét văn hoá Việt rất là độc đáo cho dù nó bắt nguồn từ đâu. Thôi thì "khơi trong gạn đục" là trách nhiệm của những người lớn, ta loại bỏ những yếu tố dị đoan không hợp lý như đốt quá nhiều vàng mã (ảnh hưởng đến môi trường sống) hoặc cúng kiếng thừa mứa, lãng phí, không an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoặc những cảnh giành giật mất trật tự, phản cảm. Chỉ nên gìn giữ ý nghĩa tốt đẹp của ngày xá tội vong nhân, nhắc nhỡ con cháu những truyền thống tri ân, báo ân bằng sự sâu lắng thâm trầm như đã hiện hữu trong tâm hồn dân tộc Việt.
Túy Lão Hòa Thượng
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Chuyện giật đồ cúng cô hồn, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2016-03-14T15:42:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-10-09T05:48:44Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 0 bình luận cho bài viết "Chuyện giật đồ cúng cô hồn, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa"
Sửa bài đăng