Câu chuyện về mã hóa ký tự Mocsơ (Morse Code)

27/4/16
(iini.net) Morse Code - ở VN quen gọi là mã Mocsơ - là loại mã hóa ký tự dùng để truyền tin điện báo qua đường dây điện. Năm 1838, hệ thống điện tín sử dụng Morse Code được công bố lần đầu ở Mỹ ngày nay được coi là nền móng cơ bản làm tiền đề cho thời đại của telephone, rồi Internet và ngày nay là chiếc điện thoại thông minh - smartphone.

Người phát minh ra Morse Code là ông Samuel Morse sinh đúng ngày này (27/4) cách đây 225 năm. Nhưng trước khi là nhà phát minh ông là họa sĩ. Bức tranh đây là chân dung tự họa của ông.

Samuel Morse
Samuel Morse (nguồn: Internet)

Năm 1825, Morse được thành phố New York giao hợp đồng $ 1000 đô-la để vẽ bức tranh người hùng của nước Mỹ Marquis de Lafayette, người đã góp phần mang lại tự do cho nước Mỹ. Vì ông phải xa nhà để nhận việc này, vợ ông viết thư động viên chồng "cả nhà ta sẽ vô cùng tự hào vì anh được ở đó cùng với người anh hùng của đất nước". Ông hồi âm cho vợ "không còn gì vui hơn nhận được tin nhà khi đang ở nơi xa này, anh mong nhận được thư em lắm."

Nhưng có ngờ đâu khi Morse gửi lá thư thì vợ ông đã mất sau một cơn đau tim. Ông nhận được thư, không phải của vợ mà của người cha “trái tim ta tan nát phải báo cho con biết là vợ con đã mất rồi”. Morse vội vã về nhà, nhưng ông chỉ còn biết khóc than nơi nấm mồ đã chôn người bạn đời tri âm tri kỷ. Ông mang nặng trong lòng nỗi đau xót trước việc thông tin quá chậm đã không giúp được gì cho ông.

Bảy năm sau, trong một lần về Mỹ sau chuyến đi châu Âu làm hội họa, ông có dịp chuyện trò với những hành khách trên tàu thủy ai cũng phàn nàn về việc thư từ thông tin chậm trễ và cũng là lần đầu tiên ông nghe nói về điện từ và cách điện từ chuyển thông tin nhanh hơn thư tín. Như chạm đúng niềm đau tưởng đã chôn sâu trong lòng, khi về Mỹ, ông quyết tâm học hỏi về điện và về điện từ rồi như một hạnh ngộ, ông kiếm được việc làm tại Đại học New York rồi trở thành giảng viên về điện. Ông bắt đầu tự mình nghiên cứu về cách lập mã, giải mã và gửi các tín hiệu bằng mã số.

Từ nhiều năm trước, ở châu Âu đã có nhiều nghiên cứu cách truyền tín hiệu và đã có máy telegraph để gửi điện báo. Nhưng vẫn còn ở dạng thô sơ với đường dây rắc rối và tín hiệu cũng chỉ truyền được ở khoảng cách không xa. Morse quyết tâm đi sâu nghiên cứu và năm 1838, ông đệ trình dự án lên Quốc hội Mỹ để xin kinh phí nghiên cứu nhưng việc không thành. Nhất định không bỏ cuộc, bốn năm ông xin Quốc hội Mỹ cho ông làm cái đề mô, ông nối dây giữa hai phòng họp trong Quốc hội và trình bầy việc truyền mã. Ấn tượng quá, Thượng viện Mỹ chấp thuận việc chi $ 30 ngàn đô-la cho ông tiếp tục nghiên cứu, ông làm đường dây từ Washington DC tới Baltimore và ngày 24/5/1844, bản tin đầu tiên được truyền đi.

Chẳng bao lâu sau tất cả tin tức, truyền thông, điện báo đều dùng mã Morse. Phát minh của ông đã làm thay đổi ngoạn mục hệ thống truyền thông và thay đổi việc liên lạc trong đời sống. Một bản tin trước đó phải mất bốn ngày thì nay chưa tới bốn giây!

Morse đăng ký bản quyền sáng chế và từ đó dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu phát minh và thôi không vẽ nữa. Ngày nay ít ai nhắc tới ông là họa sĩ với các tác phẩm hội họa được vô cùng trân trọng tại các bảo tàng mỹ thuật ở Mỹ, mà toàn nhân loại nhớ ơn ông, người cha đẻ ra Morse Code đã rút ngắn khoảng cách thời gian và không gian cho thế giới gần lại.
Kim Chi dịch
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Câu chuyện về mã hóa ký tự Mocsơ (Morse Code) trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2016-04-27T12:23:00+01:00 [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-10-09T05:46:53Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 0 bình luận cho bài viết "Câu chuyện về mã hóa ký tự Mocsơ (Morse Code)"
Sửa bài đăng