Những hiểu lầm phổ biến về sảy thai (kinh nghiệm cho mọi người)

19/10/16
(iini.net) Những điều sau là mình đọc được, nghe được, tự nghĩ ra và đã trải qua, tổng hợp lại để chia sẻ với mọi người.

1. SẢY THAI LÀ TRƯỜNG HỢP HI HỮU, HIẾM GẶP

Ở một chừng mực nào đó, sảy thai cũng giống như đồng tính hay trầm cảm, hết sức phổ biến, rất nhiều người trải qua hoặc biết ai đó trải qua, nhưng vì không ai nói đến, nên mọi người đều tưởng cái này là trường hợp ngoại lệ, hiếm gặp lắm, chắc phải có vấn đề gì mới dính vào.

Những hiểu lầm phổ biến về sảy thai

Sự thật thì tỉ lệ sảy thai là 25% - 30% (link bên dưới), và hầu hết phụ nữ đều bị sảy thai ít nhất một lần trong đời. Tỉ lệ thật còn có thể cao hơn con số kia, vì có những người bị sảy trước khi họ biết là mình có thai. Ngày nay, khoa học phát triển, người ta biết mình có thai sớm hơn, và khi sảy thai cũng dễ dàng xác định qua các xét nghiệm, siêu âm hơn, nên có cảm giác như ngày nay phụ nữ bị sảy thai nhiều hơn. Thật ra thì ở thời nào thì sảy thai cũng là một hiện tượng phổ biến, chẳng qua ngày xưa các cụ không có biện pháp tránh thai nên mang thai nhiều lần hơn, và biết mình có thai muộn hơn, nên nhiều khi bị sảy lại tưởng là một kỳ kinh nguyệt bình thường. Hoặc có bị thì cũng vẫn phải đi làm đồng, rồi sau đó vẫn đẻ được rất nhiều con. Ngày nay người trẻ mang thai ít hơn, chăm chút hơn, kì vọng nhiều hơn, nên mỗi khi sảy thai thì cảm giác đấy là một sự không may rất lớn.

Sau khi hỏi ra, thì mình biết là mẹ, chị gái, bà nội, bà ngoại, mẹ chồng, bà ngoại chồng, chị hàng xóm, chị bán hàng trước cửa đều đã từng sảy thai. Một số người sảy thai nhiều hơn một lần. Vậy nên, đừng nghĩ rằng sảy thai là "tai nạn" bạn không may gặp phải. Thật sự thì đây là một chuyện hết sức bình thường.

2. SẢY THAI LÀ DO LỖI CỦA NGƯỜI MẸ

Bạn có biết rằng, trong quãng thời gian ngắn từ khi trứng được thụ tinh cho đến hết tuần 12, từ hai tế bào của hợp tử đã nhân lên hàng tỉ tỉ tế bào để trở thành một bào thai với gần như đầy đủ các bộ phận?

Từ 60% - 70% các ca sảy thai là do lỗi trong quá trình phân chia gen ở giai đoạn này (link bên dưới). Hãy thử tưởng tượng xem, một nhà máy trong một ngày làm việc, với bao nhiêu đôi mắt và đôi tay, bao nhiêu công đoạn, công nghệ giám sát chất lượng, mà vẫn thường có sản phẩm lỗi, thì làm sao trong quá trình từ một nhân lên hàng tỷ kia lại không? Chỉ cần một công đoạn nhỏ xíu trong vô vàn những phản ứng phức tạp không kém gì sự hình thành của vũ trụ kia bị chệch đi một chút, là sẽ hỏng bét tất cả. Vậy nên, mình vẫn nghĩ là, một đứa trẻ sinh ra là SỰ KỲ DIỆU, còn sai sót xảy ra trong quá trình ấy, là CHUYỆN BÌNH THƯỜNG.


Nghiên cứu cho thấy, căng thẳng, nâng vật nặng, hay thậm chí va đập cũng không thể gây ra sảy thai. Một bác sĩ nói: "Cực cực kì khó để tự khiến bản thân sảy thai" (link bên dưới). Ngày xưa, nhiều phụ nữ khi có thai ngoài ý muốn, đã tự dùng cái móc áo để cố gắng làm bản thân sảy thai mà không được. Xin nhớ rằng, con người là động vật cực kì tiến hóa (thụ tinh trong, mang thai trong). Bào thai bám vô cùng chắc vào người mẹ, và trong thời gian đầu còn bị cơ thể người mẹ coi như một kí sinh hút dinh dưỡng (chính là lý do gây ra ốm nghén).

Vậy những nguyên nhân gì gây ra sảy thai? Tiểu đường, béo phì, uống rượu, hút thuốc lá, dùng chất kích thích như cà phê có thể đem lại những rủi ro lớn. Có một yếu tố mình thấy mọi người thường ít để ý, là khói thuốc lá, hay hút thuốc thụ động. Khói thuốc mà người mẹ hít vào sẽ làm giảm oxy cho bào thai, từ đó dễ dẫn đến sảy thai.

Khi một người phụ nữ bị sảy thai, thường cô ấy đã tự trách bản thân rất nhiều rồi, người xung quanh nếu không thể bày tỏ sự cảm thông cũng không nên trách móc thêm nữa. Mình thấy người thân thường nghĩ ra những nguyên nhân rất trời ơi đất hỡi, như đi bộ nhiều, ăn ít rau, làm việc mệt, thậm chí cả tập thể dục hay rướn người khi phơi quần áo, chỉ càng làm tăng cảm giác buồn bã, tự trách mình của người phụ nữ bị sảy thai.

3. SAU KHI BỊ SẢY THAI THÌ SẼ BỊ TIẾP DO QUEN DẠ

Đây cũng là một hiểu lầm phổ biến và gây ra những sự sợ hãi không cần thiết. Như đã nói ở trên, đa số các ca sảy thai là do lỗi trong quá trình phân chia gen. Lỗi này là xác suất, nên không có cơ sở gì để nói những người đã từng bị sảy thai thì sẽ bị tiếp. Thực tế là, phần lớn phụ nữ từng sảy thai sau đó lại có con khỏe mạnh bình thường (link bên dưới).

Tuy nhiên, các bác sĩ có phân loại những người bị sảy thai từ 2 lần liên tiếp trở lên (recurrent). Những nguyên nhân của việc này có thể là do sự không tương thích giữa gen của bố và mẹ. Việc này phải làm xét nghiệm gen của hai người mới biết được. Hoặc cơ chế đề kháng của người mẹ không chấp nhận bào thai, coi đó là kí sinh và tống đẩy ra ngoài, như mình đã giải thích ở trên. Việc này cũng phải xét nghiệm mới biết được. Các xét nghiệm này, theo như mình tìm hiểu, thì một số bệnh viện tư và công ở Hà Nội đã cung cấp.

Một nghiên cứu thực hiện với 30,000 phụ nữ ở Scotland cho biết, những người có thai trong vòng 6 tháng sau khi sảy thai thì có khả năng đậu thai cao hơn những người đợi lâu hơn 6 tháng (link bên dưới). Điều này cũng trái với quan niệm cho rằng, đợi càng lâu sau khi sảy thai càng tốt.

4. UỐNG THUỐC LÁ HAY DÙNG HORMONE SAU KHI SẢY THAI SẼ TỐT CHO LẦN CÓ THAI TIẾP THEO

Cái này thì không có nghiên cứu nào cả, mà chỉ là mình đang nghe ngóng từ bạn bè và các chia sẻ trên mạng. Mình luôn ủng hộ các sản phẩm tự nhiên, cây cỏ, hoa lá, nên không hề có ý phủ định tác dụng của các loại thuốc Nam thuốc Bắc. Tuy nhiên một vấn đề mọi người ít khi nghĩ đến là các loại thuốc này được chế biến và bảo quản thế nào.

Có các nguy cơ sau.
- Thuốc lá được sấy bằng diêm sinh để chống ẩm mốc. Diêm sinh thì rất độc rồi.
- Trong quá trình trồng, cây bị phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
- Trong quá trình thu hái, thuốc bị lẫn các lá khác, thậm chí là cỏ dại hoặc cây có hại cho cơ thể.
- Thuốc nhập từ Trung Quốc về, không rõ nguồn gốc, đã sấy khô nên càng khó xác định đã để lâu chưa, đã qua những trạng thái vận chuyển như thế nào.

Trừ khi bạn quen biết người vừa bốc thuốc, vừa trồng cây làm thuốc, và bạn chắc chắn được sản phẩm cuối cùng được trồng sạch, chế biến sạch, bảo quản sạch, thì mình nghĩ không nên uống.

Còn hormone, mình cũng lò dò lướt đọc các nhận xét về các bác sĩ nội tiết, và xem thử các đơn thuốc mọi người chia sẻ trên mạng. Mình thấy nhiều người được cho uống thuốc để tăng progesterone, loại hormone rất cần để duy trì tình trạng có thai. Tuy nhiên loại hormone này cũng có thể hấp thụ được từ một số loại rau củ quả, vì thế, mình cũng từ chối việc nạp vào cơ thể hormone với liều lượng cô đặc và dồn dập. Từ kinh nghiệm bản thân, sau khi uống hết một nửa vỉ thuốc nội tiết (cũng là để tăng progesterone), mình bị đau đầu dữ dội. Trước đấy thì bị tê tay, nhưng không nghĩ là tác dụng phụ của thuốc. Sau khi đọc kĩ lại và tìm hiểu thêm, thì mình tá hỏa vì thuốc đó có thể gây đông máu, có lẽ là nguyên nhân khiến mình bị đau nhức tay, rồi lan lên đầu. Vậy mà bác sĩ không dặn dò gì, đến khi mình đến khám lại và trình bày sự việc, cũng không hề tỏ ra quan tâm đến việc suýt nữa thì mình bị đột quỵ vì tác dụng phụ của thuốc.

CUỐI CÙNG, nếu bạn đã khám sàng lọc kĩ càng trước khi có thai, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục vừa phải, và bị sảy thai, thì hãy nhớ rằng, chuyện này rất phổ biến, và KHÔNG CÓ GÌ bạn làm hay không làm có thể phòng tránh được. You are not alone.
Vân Nguyễn
Dương Ngọc Thái
Dương Ngọc Thái
Bạn vừa xem Những hiểu lầm phổ biến về sảy thai (kinh nghiệm cho mọi người) trên trang web iini.net, được thành viên Dương Ngọc Thái biên tập vào lúc 2016-10-19T18:09:00+01:00 [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-18T15:38:50Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 0 bình luận cho bài viết "Những hiểu lầm phổ biến về sảy thai (kinh nghiệm cho mọi người)"
Sửa bài đăng