Lễ cúng mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu (hướng dẫn chi tiết)

18/1/17
(iini.net) Đạo hiếu là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Hàng năm cứ xuân về đón Tết cổ truyền thì người người, nhà nhà hân hoan, từ người già đến người trẻ, ai cũng cảm giác lâng lâng trong lòng. Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên nội ngoại.

Hình ảnh tay phượng để làm lễ ném gạo và vảy nước khai quang hay trừ tà đều được
Hình ảnh tay phượng để làm lễ ném gạo và vảy nước khai quang hay trừ tà đều được (ảnh tác giả bài viết: Lương Ngọc Huỳnh)

Các nghi lễ như sau:
- Ngay từ trước ngày 23 tháng chạp ta nên dọn dẹp nhà cửa khang trang sạch sẽ.
- Sau khi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa ta lấy một nắm gạo, một nắm muối, một nắm trà khô trộn lẫn với nhau, (lại viết phép trừ tà vào bát gạo muối ấy), rồi mang ra dùng tay phượng tung gạo muối quanh nhà theo chiều xoáy dương, ngược chiều kim đồng hồ. Hết phần đất nhà mình để xua đuổi tà khí ám vào dịp tết.
- Lấy rượu trắng thấm vào khăn sạch lau dọn sạch sẽ ban thờ.
- Lại lấy "chu sa" (có bán ở các cửa hàng thuốc đông y) ngâm với nước sạch trong một chiếc chuông đồng nhỏ hoặc một chiếc bát mới sạch đẹp. ( nước giếng khơi, nước suối tự nhiên, nước mưa ) rồi dùng thiên bút, hoặc bút lông mực đỏ viết vào giấy vàng chữ. Thần Quang, và chữ Kim Quang Lệnh. Sau đó đốt phép vào bát nước ấy.
Sau đó lấy cành trúc, hoặc lông công, nếu không có thì lại dùng tay phượng nhúng nước chu sa vảy theo chiều xoáy dương trên ban thờ gia tiên, và các ban thờ khác nếu có, rồi vảy theo bốn góc tường trong nhà, hoặc các phòng trong nhà để khai quang cho vận khí được hanh thông.
- Lấy 9 bát nhỏ đổ cồn vào đó, mỗi bát đổ khoảng một chén tương đương 20-30 mml cồn. Sau đó đặt ở giữa nhà gồm 1 bát ở giữa, 8 bát xung quanh đúng với vị trí đông nam tây bắc, đông bắc, đông nam, tây nam, tây bắc. ( lại viết 9 phép làm tăng vận khí để đốt vào 9 bát cồn ).

Khi đốt cồn thì mở hết tất cả các cửa trong nhà, kể cả các cửa sổ. Nếu nhà cao tầng thì làm ở tầng 1.

Sau khi làm xong việc đốt cồn thì làm thủ tục bốc bát nhang hoặc thay nhang.

* Bát nhang:
Có gia đình thờ nhiều bát nhang, trong đó có bát nhang tổ tiên, bát nhang thổ thần, bát nhang bà cô tổ, v.v...
Về việc này tôi khuyên rằng ban thờ gia tiên chỉ cần một bát nhang. Việc thờ bát nhang bà cô tổ ta không nên để trên ban thờ, bởi lẽ " bà cô tổ" không phải là bà cô tổ bà chỉ là những người phụ nữ chết trẻ trong gia tộc, bà không thể được coi là " cô tổ" bà chỉ là con cháu chắt của cụ tổ mà thôi.
Ta xem ở Điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long. Nơi thờ cúng 52 vị Vua trị vì nhiều đời cũng chỉ cần có một bát nhang thôi.
Bát nhang thờ thần linh thổ địa không thể để cùng ban thờ gia tiên. Nếu có điều kiện ta làm một ban thờ nhỏ khác thờ thần linh thổ địa ở tầng 1. Hoặc gian bên cạnh phòng thờ chính. Nơi phòng chính là nơi thờ gia tiên tổ nghiệp nhà mình.

* Nghi lễ bốc bát nhang:
- Rút chân hương ra khỏi bát nhang để trên một miếng vải đỏ sạch sẽ.
- Lấy một cái mâm hay cái chậu sạch để đổ tro vào đó.
- Lấy nước sạch rửa qua bát nhang, lại lấy rượu trắng lau qua, rồi lấy nước ngâm " Chu Sa" đã làm phép ( Thần Quang và Kim Quang Lệnh ) lau qua một lần cuối.
- Ta viết phép chiêu tài tấn bảo, thăng quan tiến chức, hanh thông sự nghiệp bằng bút lông mực đỏ, ấn chỉ hoặc đóng dấu vào phép. Gấp nhỏ 5 lần hình tam giác rồi đặt vào giữa các bát nhang.
- Lại chuẩn bị 5 miếng vàng dát mỏng trên năm miếng vàng có các chữ ( tuỳ theo mong muốn của gia chủ ) ví dụ : Phúc - Lộc - Thọ - Hiếu - Trung. V.v...
- Ta đặt chữ Phúc ở giữa, Lộc ở hướng Đông. Thọ ở hướng Tây. Hiếu ở hướng Nam. Trung ở hướng Bắc.
Lại cho thêm vào 9 viên Ngọc Chai, gọi là "Trân Châu". Sau đó lấy một ít đá RuBi vụn ( loại làm tranh ) đổ vào một lớp, để tăng vận khí. Rồi tiếp theo ta đổ tro của gỗ trầm hoặc tro của gỗ quế, rơm nếp... ( tro bát nhang phải tự tay mình làm không được mua ngoài chợ vì mình không rõ nguồn gốc của các loại tro đó thì không thể để trên ban thờ nhà mình. )
- Bốc bát nhang xong ta lấy 9 nén chân nhang cũ được lựa chọn kỹ rồi cắm lên bát nhang.
- Đặt bát nhang ngay ngắn lên ban thờ. ( Viết phép tăng vận khí cho ban thờ bằng bút lông mực đỏ giấy vàng, ấn chỉ hoặc đóng dấu, rồi đốt lên chỗ cắm nhang, tro của phép sẽ lưu lại trên bát nhang nhà mình ).
- Đốt hết chân nhang cũ của bát nhang cùng tro cũ gói vào giấy đỏ, mang đi ra biển, ra dòng sông sạch hoặc cánh đồng cỏ đồng lúa sạch mà thả xuống nơi đó.
- Sửa soạn lễ mặn và hoa quả, tiền vàng thịnh soạn để làm lễ.
- Ta đốt 9 nén nhang cháy đỏ lửa rồi cắm lên bát nhang.
( không nên dập tắt lửa trước khi cắm nhang vì làm như vậy sẽ mất đi vận khí của mình ).

* Văn Khấn Gia Tiên:
Con kính lạy cụ tổ dòng họ...
Con kính lạy tổ tiên, ông bà nội ngoại.
Hôm nay là ngày... tháng... năm...
Chúng con là hậu duệ của tổ tiên nội ngoại xin thắp nén nhang thành kính cùng lễ vật sơn hào hải vị, tiền vàng, thỉnh cầu kính mời gia tiên nội ngoại về vui tết nguyên đán năm... "Kỷ Hợi" và đón xuân cùng con cháu, để chúng con được kính lễ báo hiếu gia tiên nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Cầu xin tổ tiên nội ngoại phù hộ độ trì cho con cháu sang năm mới được mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, đắc tài, đắc lộc, sự nghiệp hanh thông, vạn sự như ý.
Chúng con xin cung thỉnh kính mời gia tiên nội ngoại hạ giá trước ban thờ tổ tiên để con cháu được chiêm bái báo hiếu.
(Con xin đa tạ, con xin đa tạ, con xin đa tạ).

- Đọc văn khấn xong thì quỳ lạy gia tiên 5 lễ, rồi lùi ra ba bước mới được quay lưng đi.
- Từ ngày 24 đến trước 12 giờ ngày 30 tết con cháu phải đi chạp mộ. Những người đi chạp mả gồm có: Bố, anh cả,cháu trưởng họ, và những người lớn đi ra một tổ tiên, quét dọn, rẫy cỏ, sửa soạn lại mồ mả sạch sẽ.

* Trước khi đến mộ tổ tiên ta nên đến nơi thờ Thổ Địa hoặc nơi thờ Địa Tạng, đặt lễ tiền thật, hoa quả ( nếu có ) và vàng thuyền mà khấn:

Con kính lạy Sơn thần, Long thần, Thổ địa.
Con kính lạy Địa tạng vương bồ tát. ( nếu có ban thờ ).
Hôm nay là ngày... tháng... năm... chúng con là con cháu hậu duệ của dòng họ... xin các ngài cho phép chúng con được đến làm lễ trước phần mộ gia tiên.
(Chúng con xin đa tạ,chúng con xin đa tạ,chúng con xin đa tạ)

- Quỳ lễ 3 lễ và đi lùi ba bước rồi đi.
- Khi đến phần mộ tổ tiên, ta (Viết phép khai quang dương trạch, khai quang âm trạch, ấn chỉ và đóng dấu, đốt lên phần mộ tổ tiên. Lại lấy nước ngâm " Chu Sa" viết phép và làm thủ tục vảy nước khai quang lần cuối).
- Đặt lễ trên nơi thờ ở phần mộ gồm có gà trống đỏ, xôi đỏ, hoa quả, tiền vàng để mời gia tiên.
- Thắp 5 hoặc 9 nén nhang lên bát hương trước mộ, ( nếu không có bát hương thì cắm xuống đất phần chân mộ ).

* Văn khấn:
Kính lạy cụ tổ, kính lạy gia tiên ông bà nội ngoại.
Hôm nay là ngày... tháng... năm... trước thềm năm mới "Kỷ Hợi" tết cổ truyền dân tộc, chúng con xin được làm lễ dọn dẹp và khai quang âm trạch trên phần mộ tổ tiên.
Nhân dịp tết nguyên đán Kỷ Hợi mừng đón xuân về, chúng con thành kính sửa soạn lễ vật, tiền vàng, nhang đăng cung thỉnh kính mời tổ tiên ông bà nội ngoại về ngự trước án nơi ban thờ tổ tiên, để con cháu được chiêm bái và báo hiếu tổ tiên.
Chúng con thành kính chấp lễ cung thỉnh kính mời tổ tiên nội ngoại sa giá.
(Chúng con xin đa tạ,chúng con xin đa tạ,chúng con xin đa tạ)

- Lễ tạ tổ tiên rồi đốt tiền vàng cho tổ tiên ngay cạnh phần mộ.
Và ra về.

* Ghi chú: Trong phần hướng dẫn, có nhiều chi tiết về việc viết phép, ngoài những học trò mà tôi đã dạy, thì hầu hết nhân dân ta chưa biết những phép này. Nếu chưa biết thì chúng ta vẫn làm các thủ tục và nghi lễ bình thường, không cần viết phép, như vậy cũng đã là tốt lắm rồi.

Tôi chỉ mong nhân dân ta trên mọi miền tổ quốc được ấm no hạnh phúc, vận khí tốt đẹp, sự nghiệp hanh thông, nếu chúng ta có đạo hiếu, có tín ngưỡng chân chính xuất phát từ tấm lòng chân thành thì tôi tin rằng đất nước ta sẽ phát triển tốt đẹp, người tốt sẽ ngày một nhiều, người xấu người tham nhũng họ cũng tự vấn lương tâm mà hối cải.
Xin cảm tạ mọi người có tâm chia sẻ những bài viết của tôi.

Hà Nội ngày 21 tháng chạp năm Bính Thân.
Kính tâm. Lương Ngọc Huỳnh

Dương Ngọc Thái
Dương Ngọc Thái
Bạn vừa xem Lễ cúng mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu (hướng dẫn chi tiết) trên trang web iini.net, được thành viên Dương Ngọc Thái biên tập vào lúc 2017-01-18T07:07:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-26T05:46:06Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 0 bình luận cho bài viết "Lễ cúng mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu (hướng dẫn chi tiết)"
Sửa bài đăng