Ký Ức Về Đà Lạt: Thành Phố Buồn Mộng Mơ

11/12/18
(iini.net) “Thành phố buồn nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đềm? Thành phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già”… Đã mấy chục năm rồi mà mỗi khi nhớ về Đà Lạt, câu hát trầm buồn da diết ấy cứ văng vẳng bên tai tôi. Đà Lạt giờ đây không còn là thành phố buồn. Mảnh đất đô thị nơi cao nguyên này trở thành chốn dừng chân của nhiều người con tứ xứ. Phố xá sầm uất hơn, người đông đúc, các khu du lịch được mở rộng khai thác hết tiềm năng. Cũng chính vì vậy mà Đà Lạt mất đi cái trầm tịch, u buồn, hoang sơ của ngày xưa khiến lòng mình thoáng chút ngậm ngùi mỗi lần gặp lại.

Đà Lạt - thành phố buồn mộng mơ
Đà Lạt - thành phố buồn mộng mơ (ảnh: internet)

Mùa Đông năm 1980 tôi đến Đà Lạt lần đầu. Sau khi tốt nghiệp đại học phải tham gia khóa huấn luyện sỹ quan dự bị nên mãi đến tháng 10 tôi mới trở về Vinh chờ nhận công tác. Dịp này, trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt tuyển sinh khóa mới, bà mẹ nuôi nhờ đi cùng cô em vào dự thi. Thế là “khăn gói quả mướp” lên đường, đi nhờ xe của đội vận tải Binh đoàn 318 hành quân từ Bắc vào Vũng Tàu. Hai chị em đi xe từ Vinh vào Bãi Vọt (Hà Tĩnh), ngủ đêm ở đó để sáng hôm sau khởi hành cùng đoàn xe tải. Đoàn xe rất đông (khoảng mấy chục chiếc) cứ bám đuôi nhau mà chạy, lúc nghỉ thì cả đoàn cùng nghỉ, dựng trại, nấu cơm ăn chung. “Cà rịch cà tang” như vậy nên khoảng cách từ Hà Tĩnh vào Nha Trang chỉ hơn 900 km mà đi mất 12 ngày trên đường. Cũng chính chuyến đi này làm tôi hiểu và thông cảm hơn với đời sống những người lính vận tải. Họ sống chân thực, tốt bụng nhưng anh nào cũng có chút ngang tàng, bạt mạng của cánh lái xe đường dài. San sẻ cho nhau từng miếng cơm, manh áo nhưng lúc nóng lên là có thể “choảng” nhau ra trò, đã mấy lần cả hai chị em khiếp vía vì những trận cãi vã to tiếng của họ. Đến Nha Trang, hai chị em xuống xe để mua vé xe đò lên Đà Lạt, còn đoàn xe tiếp tục hành quân thẳng Quốc lộ 1 vào Vũng Tàu. Ngồi trên chuyến xe từ Nha Trang đi Đà Lạt, tôi như mê đi trước cảnh quang tuyệt đẹp hai bên đường. Đồi núi nhấp nhô xanh thẫm, những con đèo dài, quanh co uốn lượn làm những hành khách yếu bóng vía chắc phải thắt tim khi vượt qua. Ngày ấy trên ô tô chưa có máy điều hòa nhiệt độ, xe mở cửa sổ, gió tràn vào thông thốc. Trên lưng chừng đèo sương giăng mờ mịt, gió lạnh se sắt, cách mấy bước chân đã không nhìn rõ mặt người, xe phải bật đèn dù đang chạy giữa ban ngày. Mặc cho hành khách xuýt xoa, phàn nàn, lòng tôi vẫn lâng lâng một niềm hân hoan vô tận vì bỗng nhiên thấy mình như được hòa cùng thiên nhiên hùng vĩ, cứ muốn hét to lên vì cảm xúc dâng trào. Đà Lạt đón chúng tôi khi trời vừa chập tối, đường phố bãng lãng sương mù, những con phố vắng lặng với ánh đèn vàng hiu hắt…Sau này nhiều lần lên Đà Lạt cùng gia đình, cùng bè bạn nhưng chưa bao giờ tôi tìm lại được cái cảm xúc như lần đầu: bồi hồi thương cảm đến thắt lòng trước nét đẹp hoang sơ và vẻ u sầu của thành phố cao nguyên năm ấy.

Cô gái đi dưới con đường Đà Lạt
Thành phố buồn vừa đi đã mỏi.. (ảnh: internet)

Trường Cao đẳng sư phạm nơi chị tôi dạy học là một tu viện nữ trước đây rất rộng và đẹp. Những vòm cong, mái ngói, những lối nhỏ cỏ xanh rờn, hoa khoe sắc…Nền kiến trúc của người Pháp quả là đáng cho ta khâm phục. Đi trong khuôn viên trường, ngắm cảnh sắc và con người ở đây thấy lòng mình thật yên bình, thanh thản. Phải chăng vì Đà Lạt là nơi sinh sống của rất nhiều người Huế nên vẫn mang một chút gì đó của cố đô: trầm tĩnh, lặng lẽ, hoài cổ…Những cô gái Đà Lạt má hồng rực trong gió lạnh, bắp chân hơi to vì leo dốc nhưng giọng nói thật nhỏ nhẹ, ngọt ngào, thường mang nhiều âm điệu miền Trung vì hầu hết bố mẹ họ đều từ Huế, Quảng Nam, Bình Định…đến lập nghiệp nơi này. Cao nguyên Langbiang khi chưa được bác sỹ Yersin phát hiện chỉ là nơi sinh sống của người Thượng nên thành phố Đà Lạt hầu như không có người bản xứ dân tộc Kinh. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử đã được phát hiện và xây dựng hơn 100 năm nay, với điều kiện khí hậu tuyệt vời nơi đây đã mang đến cho con người Đà Lạt – nhất là các thiếu nữ một vẻ đẹp mặn mà, khỏe mạnh mà không kém phần quyến rũ. Tôi nhớ những chiều mưa lất phất, gió se lạnh, các cô gái Đà Lạt che dù bước thong thả trên con đường dốc quanh co. Người Đà Lạt hình như không bao giờ vội vã, cuộc sống của họ cứ bình thản, từ tốn, ung dung như vậy – như thành phố buồn ngàn đời thông reo, suối chảy, hoa lá tỏa hương…

Giờ thì Đà Lạt không còn như xưa nữa. Nhà hàng, chợ búa, khu du lịch mọc lên nhan nhản, nhà cửa xây dựng nhiều, dân cư đông đúc…Đà Lạt xô bồ hơn, ồn ào hơn và bớt nên thơ, huyền ảo trong mắt du khách (nhất là các du khách yêu thích sự bình yên và hoài cổ như tôi). Tuy nhiên, khi đêm về phố xá vẫn nhuốm một sắc màu riêng rất cao nguyên, rất Đà Lạt mà không một nơi nào ở Việt Nam này có được. Những năm 80 ở Đà Lạt, muốn nghe một bản nhạc buồn, một bài ca tiền chiến bạn phải đi thật xa, vòng vèo qua nhiều con hẻm, đến một quán café thật hẻo lánh và chỉ được biết qua sự đảm bảo của người quen, chủ quán mới bằng lòng đón tiếp. Hồi đó yêu thích “nhạc vàng” cũng đồng nghĩa với tội dám “lưu truyền một dòng nhạc phản động, ru ngủ lòng yêu nước và làm nhụt ý chí của lớp trẻ” nên dù mê Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn…thì cũng cứ âm thầm mà tìm băng đĩa nghe lén chứ làm gì có café nhạc như bây giờ. Bài “Thành phố buồn” tôi nghe trong một đêm Đà Lạt mưa, u hoài và lạnh giá. Thế mà giai điệu ấy cứ theo tôi mãi, mỗi lần lên Đà Lạt đều muốn nghe lại bài này, nó như đưa mình trở về với kỷ niệm của lần đầu lên phố núi, những rung động nho nhỏ, những ngọt ngào và cả chút xíu nỗi ưu tư của tuổi 22 đầy mơ mộng và đam mê với cuộc đời phía trước.

Đà Lạt - thành phố buồn mù sương
Đà Lạt - thành phố buồn mù sương (ảnh: internet)

Ngày tôi rời Đà Lạt sương mù giăng giăng phủ kín phố phường, gió sớm lạnh se sắt, bến xe khách vắng người đìu hiu. Tôi đứng chờ xe trong gió lạnh, chợt ấm lòng khi nhìn thấy chàng trai cùng trường với chị hớt hải đạp xe ra tiễn. Mãi sau này tôi vẫn còn bâng khuâng mãi với ánh mắt ấy – ánh mắt buồn, phiêu linh sau làn khói thuốc cứ nhìn sâu vào mắt tôi, cái nắm tay vội vàng mà chặt và ấm áp để rồi chia xa, cứ nhìn theo hun hút cho dù xe tôi đã khuất đèo. Chàng trai này người Đà Lạt, nhà ở phố Bà Triệu, hàng ngày vẫn đạp xe sang dạy ở trường Cao đẳng sư phạm. Vài lần gặp gỡ ở xưởng trường, vài câu chuyện bâng quơ, thế mà cảm mến, thế mà cứ âm thầm chờ đợi dẫu biết rằng tôi đâu dễ bỏ tất cả để lên Đà Lạt lập nghiệp như lời khuyên của chị tôi lúc bấy giờ. Tôi – thời ấy là một thiếu nữ mộng mơ, lãng mạn, thích phiêu lưu, thích khám phá những chân trời mới, thích cuộc sống đầy màu sắc sôi động, mà Đà Lạt thì buồn, cô liêu…nghĩa là yêu Đà Lạt đấy, nhưng chỉ là tình yêu của một lữ khách đến rồi đi, và nhớ về chứ nếu gắn cả cuộc đời mình vào nơi ấy thì không thể. Thế mà tôi không nỡ nói tất cả những điều như vậy với người ta. Tôi sợ mái tóc dài kia sẽ rũ xuống, tôi sợ ánh mắt long lanh kia sẽ đượm buồn, tôi sợ bàn tay nuột nà kia sẽ nhuốm vàng thêm khói thuốc…Để cho người ta cứ chờ, cứ nuôi hy vọng, để đến tận bây giờ (theo lời chị tôi nói) vẫn chưa hề lập gia đình. Thỉnh thoảng đâu đó trong cuộc đời, tôi bắt gặp một nét chữ giống chữ trong thư của người ta, một dáng người thư sinh thanh mảnh, một cái tên Minh C. ở một bảng hiệu nào đó trên phố, tự dưng lại thấy lòng nhói lên nỗi cảm thương và xa xót. “Người ơi gặp gỡ làm chi…” cho tôi bỗng trở thành người lỗi hẹn, cho tôi canh cánh mãi trong lòng nỗi ân hận nỡ làm dở dang cả một thời trai trẻ của người. “Thành phố buồn lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn. Và con đường ngày xưa lá đổ, giờ không em sỏi đá u buồn, giờ không em hoang vắng phố phường…” Âm điệu của bài hát ấy như vang mãi trong tôi, cứa sâu vào tim nỗi u hoài không bao giờ hết khi nghĩ về mảnh đất cao nguyên một thời tuổi trẻ.

Sau này khi đã lập gia đình tôi còn lên Đà Lạt thêm nhiều lần nữa. Có lần tôi cũng đến trường CĐSP nhưng chỉ ghé qua chút xíu ngắm cảnh trường rồi đi vì chị tôi không còn dạy ở đó nữa, và lòng tôi thì quá đỗi nghẹn ngào chỉ sợ gặp lại người năm xưa trong ngôi trường ấy. Cùng chồng con tôi đi thăm lại hồ Xuân Hương, thác Cam ly, đồi Cù, thác Prenn, hồ Than thở…Cảnh vật có bàn tay con người tôn tạo rất đẹp nhưng mất đi vẻ hoang sơ, tĩnh lặng ngày xưa. Duy chỉ có phố Bà Triệu là tôi chưa hề đặt chân đến mà cũng không hề biết nó nằm ở đâu trong thành phố Đà Lạt. Tôi vẫn còn sợ gặp người ta là tôi biết lòng mình vẫn chưa quên được, vẫn chưa thanh thản dẫu cuộc sống hai người đã đi về hai hướng quá xa cách và khác biệt. Người ta cũng như Đà Lạt – trầm tư, lặng lẽ đón chào rồi tiễn đưa du khách … để người ra đi dẫu nhớ dẫu thương vẫn chẳng thể chọn nơi này gắn trọn cuộc đời. Hỡi ôi, vật đổi sao dời, bể dâu đôi ngả, gặp gỡ chia ly vốn là sự thường của cuộc sống mà sao nghĩ tới lòng vẫn rưng rưng một nỗi niềm!

Đà Lạt mùa đông năm 1980 (ảnh của tác giả)

Những lần sau lên Đà Lạt tôi mặc sức thả hồn theo những bản tình ca. Bên ly café nóng và ngọn lửa ấm nồng đêm cao nguyên, nhạc Trịnh như phiêu diêu hơn, thẳm sâu hơn vào lòng người đưa ta về thuở phố núi còn hoang sơ, u tịch. Thành phố buồn, thành phố hoa, thành phố ngàn thông reo…người đời gọi Đà Lạt bằng nhiều cái tên mỹ miều. Tuy nhiên trong lòng tôi Đà Lạt vẫn mãi là một thành phố cao nguyên lặng lẽ, thanh bình của những ngày xưa cũ. Nơi đó hằng cất giữ những kỷ niệm nho nhỏ của đời tôi mà mỗi khi mỏi gối chồn chân trên bước đường phiêu bạt, tôi cứ muốn trở về..

Nguyễn Minh Nguyệt


Gợi ý bài viết liên quan:
  1. Tản mạn Đà Lạt Xưa và Nay, niềm tự hào của người con phố núi
  2. Tản mạn về Đà Lạt hay, những Status & Tâm sự về Đà Lạt trong tôi
  3. Chùm thơ Đà Lạt mùa thu hay, thành phố buồn và lãng mạn khi thu về
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Ký Ức Về Đà Lạt: Thành Phố Buồn Mộng Mơ trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-11T02:53:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-28T06:41:45Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 4 bình luận cho bài viết "Ký Ức Về Đà Lạt: Thành Phố Buồn Mộng Mơ"
  1. Cảm ơn...
    Đọc và nhớ nhg ngày mình và Đ.L quấn quýt nhau ...
  2. cảm nhận về Đà lạt của mình xưa và nay giống hệt bạn, giờ mỗi năm vẫn đi ĐL nhưng mình chỉ thích tới các làng xa xa yên bình, ko thích vào trung tâm
  3. Nhớ mốt quần ống loe xưa
  4. Hồi sơ khai thì ở Vũng Tàu chỉ 318, tư lệnh là cụ Hòa sau làm Tổng cục trưởng. Thời đấy lên Đà Lạt vắng lắm, 10 giờ sáng mà vẫn còn sương mù. Bây giờ cây chặt vãn nên sương mù ít hơn, mặc dù phố xá khang trang hơn.
Gửi bình luận

Sửa bài đăng