Tự Sự: Nhớ Về Hà Nội

7/12/18
(iini.net) “…ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than…”. Mỗi khi nhớ về Hà Nội, trong tôi lại vang lên giai điệu ngọt ngào của ca khúc này.

Tự Sự: Nhớ Về Hà Nội
Nhớ về Hà Nội (ảnh: internet)

Có lẽ vì năm 14 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội tôi đã sống mấy tháng ở bãi Phúc Xá, trong một căn nhà nhỏ, hình như tên phố là La Văn Cầu nên bài hát đã như một mảng ký ức gắn chặt với đời mình vậy. Hà Nội với cô bé tỉnh lẻ xa xôi như tôi hồi ấy là cả một thiên đường. Nơi ấy có công viên rộng lớn, có tàu điện leng keng, có tiếng rao đêm của các chị bán hàng rong với những món quà thật ngon mà ở quê tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Hà Nội của những năm 70 với những căn hầm trên phố, với hình ảnh những anh chị dân quân tự vệ súng khoác trên vai, với những chuyến xe buýt , tàu điện nêm chật người, với tiếng còi báo động…Tất cả còn nguyên vẹn là nỗi nhớ trong tôi dẫu sau này khi đã là sinh viên ĐHNN và thực sự sống trong cảnh đất nước yên bình. Không phải người Hà Nội nhưng những kỷ niệm về mảnh đất này luôn mang lại cho tôi những cảm xúc bồi hồi thương nhớ khi đã đi xa. Như một thói quen, dù ở nơi đâu mỗi khi nghe một ca khúc về Hà Nội là tôi lại lẩm nhẩm hát theo và trong đầu mình như có một cuốn phim quay chậm tái hiện lại cảnh xưa người cũ…

Hồ Hoàn Kiếm
Nhớ về Hà Nội thân yêu (ảnh: internet)

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…một thời đạn bom, một thời hòa bình…”. Cảm ơn người nhạc sỹ tài hoa Hoàng Hiệp đã nói hộ lòng rất nhiều người, nhất là những người ở thế hệ chúng tôi – đã từng biết một Hà Nội trong chiến tranh chống Mỹ. Người Hà Nội ngày ấy, theo nhạc sỹ Dương Thụ “Họ mang cái vẻ đẹp của xóm nghèo, của lính và của nơi thôn dã về cho đất Hà Thành, đó là cái chất phác, chân thật trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử, đó là quan niệm sống và bảng giá trị mà họ theo đuổi”. Quả thật so với bây giờ Hà Nội thời đó thật nghèo nhưng “Cái cuộc sống ấy có một vẻ đẹp riêng. Không sôi động náo nhiệt, không xa hoa sang trọng, không có vẻ gì như một đô thị trung tâm, nó hơi buồn tẻ nhưng được cái rất lành”. Tôi nhớ những lần đi xe khách từ Vinh ra Hà Nội. Vì đường Quốc lộ 1 bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá dữ dội nên xe xuất phát từ Vinh phải vòng lên miền tây Nghệ An rồi cắt rừng ra tới Thanh Hóa mới đi về Hà Nội. Trên xe đủ các lọai hành khách: anh bộ đội về phép, cô thanh niên xung phong từ tuyến lửa ra đi học, có những cán bộ công chức người Hà Nội nhưng công tác ở khu Bốn, người đi buôn, học sinh sinh viên…Ba, bốn ngày đêm rong ruổi trên đường vượt qua bao lần máy bay ném bom, thả pháo sáng xe mới tới được Hà Nội, thường là vào lúc nửa đêm. Thời ấy, người ta đối xử với nhau thật tốt bụng và vô tư. Thường thì nhà người nào gần chỗ xe đỗ nhất sẽ mới một số người ở xa về nhà mình nghỉ tạm qua đêm rồi sáng hôm sau đi tiếp. Tôi đã từng vài lần ở qua đêm trong những căn nhà chật chôi của người đi cùng chuyến xe, được người nhà của họ sắp xếp chỗ ngủ mà không hề căn vặn dò hỏi xem mình là ai, làm gì, quen biết con cái họ ra sao. Sáng hôm sau dậy định cảm ơn gia chủ thì họ đã đi làm, chẳng biết họ tên gì, bao nhiêu tuổi, chỉ biết chào một vài cháu nhỏ còn lại trong nhà rồi ra đi, thậm chí sau đó không nhớ nổi số nhà, tên phố mình đã ở . Cái chân tình mộc mạc ấy giờ chắc không thể tìm được bởi Hà Nội đã khác xưa nhiều. Đường phố to rộng hơn, nhiều công trình kiến trúc, nhà cửa được xây dựng, sửa sang đẹp và hiện đại hơn nhưng con người sống với nhau không còn “lành” (từ của NS Dương Thụ) như trước nữa. Tuy nhiên nếu nhìn xu hướng chung để đánh giá cách sống của người Hà Nội ngày nay thì không công bằng. Mặc dù những lần ra lại Hà Nội gần đây tôi cũng hay bị “dị ứng” với những câu chửi thề, với cách phục vụ trong các nhà hàng, cách ứng xử của một số người trên đường phố nhưng đâu đó vẫn lấp lánh hình ảnh những con người Hà Nội lịch thiệp, chân tình như thuở nào. Tôi nhớ những năm tháng là sinh viên với cái đói triền miên và cảnh đến 1,2 giờ sáng vẫn còn phải chen nhau ở vòi nước công cộng, thì chính những bữa cơm gia đình đầm ấm, những tối nằm chung chăn với cô em ở nhà bạn thân tôi ngay Ngã Tư Sở đã mang đến cho tôi cả sức khỏe và niềm tin về lòng nhân ái của con người trong cuộc sống.

Bên bờ hồ Hoàn Kiếm
Bên bờ hồ Hoàn Kiếm (ảnh: internet)

Mỗi lần ra Hà Nội tôi rất thích đứng ở Bờ hồ Hoàn kiếm ngắm các cụ già thung dung đi dạo hoặc ngồi tâm sự trên các ghế đá ở quanh hồ. Mặc dù giờ đây cảnh vật đã đổi thay nhiều, phố xá buôn bán sầm uất, xô bồ nhưng ngắm các cụ trầm tư hoặc nhỏ nhẹ chuyện trò với nhau ta như gặp lại một Hà Nội xưa hơi cũ kỹ nhưng thanh lịch và yên bình biết bao. Hơn một lần tôi nhớ tiếng chuông tàu điện leng keng, ký ức của một thời sinh viên nghèo tiền bạc nhưng giàu có bởi tình bạn và sự sẻ chia vô tận. Hà Nội bây giờ nhiều gia đình có xe hơi, còn xe gắn máy thì nhà nào cũng vài chiếc. Mỗi lần ra đó được các bạn đón đưa mà sao lòng tôi vẫn không quên được thuở chở nhau trên chiếc xe đạp vi vu khắp hang cùng ngõ hẻm. Những món quà ngày ấy mua bằng những đồng tiền còm của sinh viên sao mà ngon đến thế. Tôi nhớ những đêm mưa đi mua khoai nướng của bà già mù Ngã Tư Sở, nhớ những trái ổi, bánh đa, bánh rán ở chợ “cóc” khu tập thể 8/3… Người ta nói: “Miếng ngon nhớ lâu, nỗi đau để đời”, tôi thì lại nghĩ khác. Miếng ngon chưa hẳn đã nhớ lâu mà nhớ bởi tình người, bởi kỷ niệm cho dù đấy không phải là “sơn hào hải vị” mà chỉ những món rất đỗi bình thường. Còn “nỗi đau” tôi thường cố gắng quên đi càng nhanh càng tốt (tất nhiên không phải dễ), nhưng nỗi đau – kể cả nỗi đau khi bị người khác phản bội hoặc gặp điều gì đó xui xẻo trong cuộc sống thì “để đời” để làm gì cho khổ khi cứ phải nghĩ đến, phải bực tức, giận dữ? Phải chăng vì chân lý sống như vậy nên tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản chẳng phải khó chịu hằn học vì những điều không đáng? Gần đây báo chí rộ lên phong trào lên án “người Hà Nội văn hóa thấp đi”, tôi thấy họ nói cũng có nhiều cái đúng, bản thân mình cũng nhiều lần khó chịu vì gặp những ứng xử thiếu văn hóa ở mảnh đất này nhưng công bằng mà nói thì chẳng riêng gì Hà Nội mà trên khắp đất nước nhiều nơi văn hóa đều xuống cấp. Phải chăng vì yêu quý Hà Nội, vì muốn Hà Nội mãi đẹp trong mắt người dân Việt và bạn bè năm châu nên người ta đòi hỏi Hà Nội phải đạt cấp cao hơn trong đời sống văn hóa. Đọc báo tôi cũng thấy đau lòng, nhưng không vì vậy mà mất đi trong tôi những hình ảnh đẹp đẽ về Hà Nội. Tôi tin rằng những giá trị đích thực rồi sẽ được nhìn nhận một cách đúng đắn, được phục hồi và Hà Nội mãi mãi là một thành phố Đẹp cả cảnh vật và con người, sẽ là nơi cho mỗi người Việt Nam khi đi xa sẽ nhớ về và tự hào.

Hà Nội nhộn nhịp xe cộ
Hà Nội nhộn nhịp xe cộ (ảnh: internet)

Bạn bè tôi ở Hà Nội mỗi lần vào thăm thành phố biển đều rất thích những quán café nơi đây. Café Vũng Tàu thường là một điểm hẹn văn hóa, có nhạc, có sách báo, có không gian thoáng đãng, là chỗ để các gia đình, các nhóm bạn tụ họp, tâm sự, thư giãn…Ở Hà Nội không gian chật chội hơn và cách phục vụ cũng không bằng nhưng sao mỗi lần ra đó, tôi vẫn muốn đến một quán café nho nhỏ nào đấy ở góc phố để vừa nhâm nhi vừa ngắm dòng người qua lại trên phố. Café Hà Nội cũng có những nét riêng độc đáo của nó, thường là nhỏ, chật chội và ấm cúng. Lâu lắm tôi không có dịp ra Hà Nội vào Mùa Đông. Cứ tưởng tượng cảnh mưa phùn gió rét mà được ngồi với người bạn tri âm trong một góc nhỏ ấm áp của quán café để nghe những bản nhạc trữ tình thì thật tuyệt vời. Hà Nội trong tôi là thế đấy, chẳng cần những đại lộ rộng thênh thang, chẳng cần những cao ốc sừng sững mới xây, chẳng cần xe hơi, nhà lầu…chỉ đọng lại trong lòng mình những kỷ niệm nho nhỏ dễ thương của một thời tuổi trẻ trong trẻo và thánh thiện. Chỉ đọng lại trong lòng mình những gương mặt thân quen, nhân ái. Chỉ đọng lại trong lòng mình những con phố nhỏ nơi có những căn nhà của bạn bè mà mỗi khi đến mình đều nhận được biết bao tình cảm thân thương của mọi người trong gia đình bạn dành cho cô sinh viên nghèo tỉnh lẻ.

…Kỷ niệm ngày xưa, vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung, những con đường nhỏ
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm…

Tôi muốn mượn câu hát này của nhạc sỹ Hồng Đăng để nói lên nỗi lòng người sống xa Hà Nội nhưng luôn nhớ tới nơi này với một tình cảm thân thương và trân trọng. Và thực lòng tôi luôn mong muốn nếu có dịp trở về thì sẽ gặp lại nơi đây không chỉ những người bạn thân yêu cũ với tấm lòng nhân hậu mà mọi người dân Hà Nội đều có thái độ thân thiện, văn hóa, lịch lãm để làm nên một hình ảnh Thủ đô Hà Nội đáng tự hào của mỗi người con đất Việt.

… Xanh xanh thắm, bầu trời xanh Hà Nội
Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh
Thân thương quá nụ cười người Hà Nội
Đã gặp rồi mà bồi hồi, nhớ mãi Hà Nội ơi… (NS Văn Ký)

Nhớ mãi Hà Nội ơi!
Nhớ mãi Hà Nội ơi!

Nguyễn Minh Nguyệt


Gợi ý bài viết liên quan:
  1. Viết về Ô Quan Chưởng (cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội)
  2. Tản Mạn: Cúc Họa Mi gọi Đông về với phố Hà Nội
  3. 1001 bài thơ viết về Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội) mới nhất
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Tự Sự: Nhớ Về Hà Nội trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-07T04:30:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-28T01:43:59Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 7 bình luận cho bài viết "Tự Sự: Nhớ Về Hà Nội"
  1. Thật xúc động khi đọc bài viết của bạn. Bài viết hay, một tình cảm sâu sắc với những cảm nhận , đánh giá công bằng và văn minh....
  2. Một lần ra HN em đi taxi , khi trả tiền tài xế không có đủ tiền trả , em vào mấy quán trên phố nhờ họ đổi ,chỗ nào cũng lắc đầu quầy quậy vì mì không mua hảng của họ .May có anh xe ôm thấy vậy đổi cho .Không vơ đũa cả nắm nhưng nhiều người HNbây giờ không còn xứng đáng với câu :Lịch sự như người Tràng An nữa!
  3. Ta buộc phải thích ứng dần thôi, nhg ta ko thể ko nuối tiếc 1 Hn xưa, cái trong trẻo của hồn ng, của nhg tấm lòng vị nhân đúng nghĩa nhất...
  4. Hn trong tôi vẫn còn nguyên ký ức nhưng thật mà nói chỉ trong vành đai 1 thôi. Cứ ra ngoài chút là như cái chợ
  5. Cám ơn em . Em đã cho tôi lại về được sống trong lòng Hà nội
    Tuổi ấu thơ xé lịch chơi bán vé xem phim
    Những hàng cây cổ thụ xum xuê xoè che nắng
    Cả trăm lần đến bạn chơi mà ko nhớ nổi số nhà ...
    Lại nghe thấy tiếng chuông nhà thờ âm vang ...
    Xa rất xa ...
    Và những tối túm tụm nhau nói cười cùng lũ bạn ...
  6. Cháu vẫn thi thoảng ngồi ở Vũng Tàu cà phê, không gian biển rất rộng và thoáng. Nhưng vẫn thèm một ly cà phê vào một buổi chiều cuối đông của MB, mưa phùn giăng lối, cái rét tê tái cùng với một bản nhạc Trịnh...
  7. Cảm ơn em đã nói hộ cảm xuc của chị,một người tỉnh lẻ từng học và đang sống ở Hà Nội.Nếu không yêu Hà Nội không thể có những tiếc nuối ngày xưa ,và càng không thể có cái nhìn bao dung và nhân văn như vậy.
Gửi bình luận

Sửa bài đăng