Viết Về Cha: Người Đã Gieo Trong Tôi Niềm Tin & Sức Mạnh

9/12/18
(iini.net) Khác với nhiều nước trên thế giới hàng năm có một ngày gọi là “Ngày của Cha”, ở Việt Nam chỉ có những ngày dành cho Người Mẹ. Tuy nhiên, trong tâm khảm mình, với tôi ngày nào cũng là ngày của Cha, của Mẹ. Mẹ thì còn đó nhưng Cha đã đi xa hơn 20 năm rồi…Vậy mà hình bóng Ông không một phút nhạt nhòa trong tôi. Năm nào giỗ Cha tôi cũng khóc trước bàn thờ Ông, vừa khóc vừa nhớ lại – như vừa chỉ mới đây thôi, những lời dặn dò ân cần của Ông ngày tôi bước chân vào trường Đại học. Mẹ tôi tảo tần buôn bán lo cho cho đàn con ăn học, nhưng người mở mang trí tuệ cho các con, hướng các con vào một cuộc sống tốt đẹp, hiểu rõ “chân – thiện – mỹ” trong đời là người Cha vô cùng yêu quý của chúng tôi – Người mà khi các con đã thành đạt, khá giả thì không còn dịp được báo đáp nữa…

Viết Về Cha: Người Đã Gieo Trong Tôi Niềm Tin & Sức Mạnh
Viết Về Cha: Người Đã Gieo Trong Tôi Niềm Tin & Sức Mạnh (ảnh: internet)

Nghe ông nội và cô tôi kể lại, ngày bé Cha tôi học giỏi lắm. Tôi cũng biết rõ điều đó vì tuy không được học nhiều nhưng năm tôi tốt nghiệp Đại học Ông vẫn nói chuyện “ngang cơ” với tôi bằng tiếng Pháp. Một người như ông, giá mà gia đình không quá nghèo, mẹ đừng mất sớm thì có lẽ cũng trở thành một trí thức đáng tự hào cho dòng họ. Vậy mà, năm 15 tuổi Cha tôi đã phải bỏ ngang việc học hành đi làm thuê và học nghề ở một tiệm sửa xe. Cô tôi kể: những ngày còn đi học thường là Cha phải nhịn ăn sáng. Hai anh em (chú họ tôi) học cùng lớp, em đi trước vừa đi vừa ăn bánh mỳ chả quế, anh đi sau thèm nhỏ dãi, cứ hít hà mùi thơm và thầm ước: bao giờ có tiền để mua một ổ bánh mỳ chả quế ăn xem nó ngon tới mức độ nào! Vậy mà suốt những năm tháng tuổi thơ, mơ ước ấy cũng chưa bao giờ thực hiện được. Sau này chú tôi học Đại học Bách khoa rồi ra công tác ở Bộ Xây dựng, Cha vẫn chỉ là “anh chủ nhiệm” một hợp tác xã thủ công nghiệp ở quê nhà. Họ hàng ai cũng thương và tiếc cho Cha tôi. Mọi người đều nói nếu được học hành chu đáo thì Ông sẽ tiến xa hơn cả ông em vì ông có tư chất thông minh lại rất chịu khó.

Bước vào tuổi thanh niên, dù không phải là bậc trí thức nổi bật trong lớp trẻ hồi ấy nhưng Cha rất được mọi người tín nhiệm vì lòng nhiệt tình và tính năng động trong công tác đoàn thể. Cha được bầu làm Bí thư đoàn thanh niên thị trấn Đô Lương (trong kháng chiến gia đình ông nội tôi sơ tán từ Vinh lên Đô Lương), sau này về lại Vinh cũng làm bí thư đoàn của khu phố nhiều năm liền. Cha người gầy nhỏ, lại ham đá bóng, ham hoạt động nên người cứ sắt lại, da đen, tay chân xương xẩu…chỉ đôi mắt là sáng và toát lên vẻ nhân hậu nên rất được nhiều người mến mộ. Ấy thế mà lại rất khó lấy vợ. Cô tôi kể: khi đi sinh hoạt đoàn, tham gia đá bóng hay ôm đàn măng-đô-lin ngồi hát thì khối cô gái trẻ “chết mê chết mệt”, nhưng sau khi đến thăm nhà, thấy gia cảnh bần hàn họ đều lãng ra hết. Rốt cuộc, bước vào năm 27 tuổi cha tôi vẫn chưa lập gia đình. Thành tích hoạt động đoàn thể, thành tích phục vụ chiến trường Trung Lào, Điện Biên phủ…làm Cha nổi bật trong lớp thanh niên ngày ấy nhưng cũng chẳng giúp Cha “lọt vào mắt xanh” cô thiếu nữ nào. Thế rồi tình cờ trong một lần đi bắn chim lạc vào khu vườn nhà người khác, Cha gặp Mẹ và nên vợ nên chồng. Mẹ tôi người thấp, trắng trẻo, xinh xắn phúc hậu nhưng cũng vì nhà quá nghèo nên cũng chưa có ai dạm hỏi. Cha hơn mẹ 9 tuổi và học hành hiểu biết nhiều hơn nên cả cuộc đời mình luôn là chỗ dựa vững chắc cho Mẹ và các con. Bởi vậy, khi Cha tôi mất Mẹ hẫng hụt, bơ vơ, ngơ ngác hàng mấy năm trời chưa trở lại bình thường.

ảnh đẹp về tình cha
Tình Cha (ảnh minh họa từ internet)

Sau năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc, gia đình ông bà tôi từ Đô Lương trở về thành phố Vinh. Nơi đây, Cha tôi tiếp tục công tác Thanh niên và vào làm việc tại hợp tác xã Toàn Thắng. Mẹ tôi kể ông rất mê công tác Đoàn và các hoạt động thể thao. Hồi sinh tôi, có bữa đến hơn 7 giờ tối thấy chồng vẫn chưa về, vừa đói vừa mệt, khi Cha về lại kể là có trận thi đấu bóng đá, bà đã khóc vì tủi thân nghĩ chồng không quan tâm mình. Cha tôi “tạ lỗi” bằng cách nấu một nồi cơm to và rán … 8 quả trứng gà cho vợ ăn vào bữa tối. Cha là vậy, không biết nói những “lời hay ý đẹp” với Mẹ, nhưng cả cuộc đời mình ông luôn ân cần chăm sóc và lo lắng cho Mẹ từng ly từng tý.
Trong ký ức của chúng tôi những ngày thơ bé, luôn thấy hình ảnh người Cha sau giờ làm việc là tất bật với những công việc gia đình để Mẹ có thêm chút thời gian nghỉ ngơi. Những cử chỉ chăm sóc như: mùa Đông quạt than ủ nóng để dưới giường Mẹ, mùa Hè khi mẹ đi chợ sắp về ông múc sẵn nước phơi ngoài nắng cho âm ấm rồi xách vào nhà tắm cho Mẹ (mẹ tôi sợ tắm nước lạnh vừa múc từ giếng khơi lên). Năm 1961 ông là người duy nhất của thành phố Vinh được tham gia Đại hội chiến sỹ thi đua toàn miền Bắc. Sau đấy, người ta định bồi dưỡng, đào tạo để “rút lên trên” làm cán bộ nguồn nhưng ông từ chối. Phần thì hơi “bất mãn” với việc cấp trên không cấp giấy giới thiệu cho bà tôi đi chữa bệnh ở Hà Nội với lý do bà chỉ là vợ hai ông nội tôi chứ không phải bà đẻ ra Cha tôi, phần thì thấy mẹ tôi yếu đuối nên ông muốn ở bên cạnh để hàng ngày chăm sóc.
Từ khi chúng tôi còn nhỏ cho tới lúc trưởng thành, ai cũng đều cảm nhận được tình thương yêu vô bờ bến và sự ân cần chu đáo mà Cha dành cho mỗi đứa con, còn bản thân Cha không bao giờ nghĩ đến mình, cứ âm thầm lo cho Mẹ, lo cho đàn con đông đúc. Những năm tháng chiến tranh, cả nhà chín, mười miệng ăn sống bằng “đồng lương còm” của Cha, cơm độn, rau dưa, cá tép kiếm ở những cánh đồng, ao hồ nơi gia đình tôi đi sơ tán. Cuộc sống với vô vàn khó khăn, có những năm Tết đến, Cha Mẹ tôi cứ thẫn thờ cả người vì không thể may cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới. Thế nhưng không bao giờ tôi thấy Cha than vãn kêu ca mà thường hóm hỉnh đùa vui để chúng tôi quên đi cuộc sống nghèo nàn. Thỉnh thoảng ông làm thơ để ghi lại những cảm xúc hoặc khoảnh khắc đáng nhớ trong đời. Một nỗi ân hận lớn nhất của tôi cho đến tận bây giờ là đã không lưu giữ lại được những bài thơ Đường luật của ông. Ngày ấy chúng tôi còn bé, sống thật vô tư mà không hề nghĩ rằng có một ngày cuộc đời khắc nghiệt này đã khiến cho Cha tôi ra đi đột ngột với bao dự tính còn dở dang…Hồi đó, biết tôi ham đọc sách, vài tuần ông cố gắng đưa tôi đi hiệu sách một lần. Ông đắn đo thật lâu trước mỗi cuốn sách đắt tiền mà tôi muốn mua nhưng rồi vẫn mua cho tôi. Để có được một tủ sách thời niên thiếu, để tạo dựng và truyền cho con gái đầu một tình yêu sâu sắc với văn chương thơ phú, ông đã hy sinh đến cả những nhu cầu nhỏ nhoi nhất của bản thân.
Sau 1975, khi mẹ tôi đã ra buôn bán, cuộc sống gia đình tôi có phần dễ thở hơn, tôi mới thấy ông uống café, thì ra ông nghiền café từ lâu rồi nhưng suốt mấy chục năm khó khăn không hề uống. Thơ ông viết ra thường đọc cho con cái nghe, vậy mà sao chúng tôi thật vô tâm, cho đến nay chẳng còn nhớ được câu nào ngoài hai câu đầu trong bài “Cơm rang” : Một bát cơm rang đỡ đói lòng / Điểm tâm buổi sáng thế là xong…Viết đến đây tôi phải dừng để lau nước mắt. Ôi, Người Cha thân yêu của chúng tôi! Người chỉ dám ăn một bát cơm rang buổi sáng để dành tiền mua sách cho con. Người đã sinh ra, nuôi dạy và truyền cho đàn con tính ham học, lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống và hơn hết là đức hy sinh cho những người thân yêu của mình. Phải chăng vì thế mà chị em tôi lớn lên, lập gia đình và ai nấy đều ra sức vun vén cho cuộc sống gia đình mình ngày càng tốt đẹp, bền vững như mong muốn của Người Cha khi xưa?

Ảnh đẹp Cha và Con gái
Cha và Con gái (ảnh minh họa từ internet)

Mỗi lần nhớ tới hình ảnh Cha tôi, không hiểu sao tôi thường nhớ nhất đôi bàn tay của Người. Đôi bàn tay đen đúa, xương xẩu, đầy những vết chai của một đời kiếm sống lam lũ…Đôi bàn tay đã từng đẩy xe thồ đi hàng ngàn ki-lô-mét tiếp gạo cho chiến trường thời kháng chiến chống Pháp, đôi bàn tay cầm búa, kìm, cầm cọ sơn kiếm tiền nuôi đàn con ăn học, cầm súng trực chiến máy bay Mỹ, chặt cây, đào đất dựng những căn hầm kiên cố cho vợ con trú ngụ trong thời bom đạn. Cũng chính đôi bàn tay ấy cầm tay con trẻ dạy đưa từng nét bút đầu tiên. Đôi bàn tay mà mỗi lần đứa con gái đầu là tôi đau bụng khi đến tháng lại hái từng nắm lá ngải cứu sao với muối rồi dịu dàng chườm ấm cho con. Khi Cha tôi mất, từ Vũng Tàu trở về tôi chỉ còn được nhìn khuôn mặt với đôi mắt đã khép kín của Ông (vì người ta để hở một ô nhỏ nơi quan tài chờ con cháu về) chứ không còn được nhìn đôi bàn tay thân yêu ấy nữa. Ông bỏ chúng tôi ra đi vào năm 1990 khi mà cuộc sống của những đứa con còn chưa hết những gian nan thiếu thốn. Trong bảy đứa con của ông, chỉ mới mình tôi lập gia đình và có một cháu gái. Em Út tôi năm đó mới 17 tuổi. Gánh nặng nuôi đàn em ăn học và tạo dựng cho chúng cuộc sống sau này chuyển hết lên vai tôi vì Mẹ tôi sau hơn 30 năm quen với mọi sự sắp đặt, chỉ đạo, tổ chức cuộc sống của Cha tôi giờ bỗng trở thành bơ vơ, ngơ ngác và chỉ biết khóc ròng thương nhớ Cha đến phát ốm. Cuộc đời Cha tôi, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay chưa hề có một ngày sung sướng. Ông mất đi lòng vẫn canh cánh nỗi lo khi nhà xây chưa xong, nợ chưa trả hết, còn 5 đứa con chưa hoàn thành việc học hành và chưa có công ăn việc làm ổn định. Có lẽ vì vậy mà nơi Suối vàng Ông luôn phù hộ cho tôi để tôi có thêm nghị lực làm việc, học hành, vươn lên trong cuộc sống để có điều kiện giúp Mẹ đưa từng đứa em một vào học hành, lập nghiệp, dựng vợ gả chồng cho chúng ở mảnh đất phương Nam xa xôi này. Giờ thì con cái trưởng thành, đứa nào cũng có nhà cửa, có “của ăn, của để”, muốn báo đáp Cha già thì Cha còn đâu trên cõi đời này nữa!

Tôi đã khóc ròng khi lần đầu tiên nghe em Út tôi hát bài “Cha yêu” của NS Quốc Vượng.
“Nhớ mãi dáng người cha yêu xưa
Đường về hôm nay đã vắng bóng cha
Cha yêu ơi mình con trong mưa
Giờ này ngồi đây lòng thương nhớ cha đã rời xa…”

Tôi yêu những ca khúc, những bài thơ viết về Cha. Trên thế gian này, người ta thường ca ngợi Người Mẹ nhiều hơn, những bài viết về Mẹ lay động trái tim hàng triệu người. Nhưng với tôi, những bài ca về Người Cha dẫu hiếm hoi mới thật là vô giá. Phải chăng vì trong tôi, cứ in đậm mãi bóng hình Người Cha những năm tháng nhọc nhằn…Trong Cha tôi, có cả đức tính quyết đoán, kiên nghị, mạnh mẽ của Người Cha, có cả sự ân cần, dịu dàng của Người Mẹ…mà đi suốt cả cuộc đời này, dẫu chú ý kiếm tìm cũng chưa bao giờ tôi gặp được người như vậy. Có phải vì ký ức về Người Cha cứ lắng đọng mãi trong tôi nên nhiều khi tự lòng mình tôi cảm thấy day dứt vì cứ kỳ vọng hoài về một người đàn ông như Cha trên thế gian này để cuộc sống của chính mình có đôi phần thất vọng?

Hơn 23 năm ngày Cha mất, giờ tôi mới ngồi viết những dòng này – như một lời tạ lỗi muộn màng với Bậc sinh thành. Nơi Chín suối Cha hãy an lòng yên nghỉ, con gái Cha đã mang những lời khuyên dạy của Cha đi suốt cuộc đời để giờ đây sau 32 năm công tác về nghỉ hưu thanh thản và luôn tự hào vì mình là con của Cha, sống như Cha: trung thực và nhân ái. Nhiều năm trôi qua, giờ con cũng đã trở thành bà. Nhưng từ thuở thiếu thời cho mãi đến tận những ngày sau, con sẽ còn kể lại với các con và các cháu về hình ảnh một Người Cha – Người Ông – Người Cụ của chúng, Người đã gieo vào lòng con Niềm tin và Sức mạnh để con vượt qua bao khốn khó, gian lao của cuộc đời và được như ngày hôm nay!

Sau ngày giỗ Cha ( Mồng 2 tháng Năm năm Quý Tỵ)
Nguyễn Minh Nguyệt
Gợi ý bài viết liên quan:
  1. 1001 bài thơ tiếc thương Cha Mẹ đã mất, nhớ hơi ấm ngày xưa!
  2. Chùm thơ Khóc Cha buồn bã, cảm xúc đau đớn ngày Cha mất
  3. [Cảm Động] Nhớ Về Người Cha Đã Mất (bài viết về gia đình hay)
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Viết Về Cha: Người Đã Gieo Trong Tôi Niềm Tin & Sức Mạnh trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-09T14:52:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-24T13:05:04Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 3 bình luận cho bài viết "Viết Về Cha: Người Đã Gieo Trong Tôi Niềm Tin & Sức Mạnh"
  1. Chị viết rất cảm động!
    Em xin gửi lời cầu mong Ông an nghỉ thảnh thơi ...
  2. Like luôn câu đầu " ngày nào cũng là ngày của Cha, của Mẹ" 👍🍺😘
  3. 1 bài viết hay và cảm động về Cha. Cám ơn tác giả rất nhiều!
Gửi bình luận

Sửa bài đăng