Thảo Luận: Tại Sao Không Có Phim Về Truyện Kiều?

13/12/18
(iini.net) Là người Việt Nam, chúng ta ai cũng biết Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác văn chương vô giá trong nền văn học dân tộc, vinh dự sánh ngang hàng những tác phẩm văn học bất hủ của nhân loại vì độ phổ cập vào hàng cao nhất thế giới. Khỏi phải nói cũng biết các tầng lớp, các thế hệ người Việt Nam xưa và nay đã mê mẩn Truyện Kiều đến thế nào. Hình tượng nàng Kiều từ trong văn học đã bước ra ngoài đời sống xã hội và trở thành biểu tượng hoàn hảo của vẻ đẹp con người trước những dâu bể cuộc đời và mong manh số phận.

Thảo Luận: Tại Sao Không Có Phim Về Truyện Kiều?
Thảo Luận: Tại Sao Không Có Phim Về Truyện Kiều? (ảnh: internet)

Truyện Kiều vĩ đại và quan trọng dường ấy nên khi dạy Truyện Kiều cho học sinh lớp 9, mình rất muốn có “giáo cụ trực quan” để các em có thể cảm nhận bằng nhiều giác quan thì hiệu quả bài dạy sẽ cao hơn, thấm hơn. Nhưng khi vừa thực hiện biện pháp dạy học bằng “trực quan sinh động” này, mình đã bị thất bại thảm hại. Nguyên do là vì nước ta không có phim về Truyện Kiều. Các bức ảnh cũng vậy, theo mình, chả có bức nào “mãn nhãn” và tỏ ra tương xứng với hình tượng nàng Kiều trong truyện cả.

Chả là có lần, khi dạy đến tác phẩm Truyện Kiều, mình đã bỏ công đi lùng mua băng đĩa phim về Truyện Kiều và lên kế hoạch ngoại khóa Văn học bằng cách chiếu phim cho học sinh toàn khối xem. Săn lùng hết cả hơi, rạc cả cẳng, mình mới tìm được một băng video kịch cải lương về cuộc đời nàng Kiều. Thôi thì kịch cũng tạm được, miễn là có cái cho học sinh được tận mắt nhìn thấy nhân vật bằng xương bằng thịt, được thỏa sức khóc cười cùng những chìm nổi lênh đênh của số phận người phụ nữ tài hoa mệnh bạc này.

Nhưng thật trớ trêu, khi phim được chiếu lên thì học sinh lại không thích xem. Tất cả cứ ồn ào như cái chợ vỡ, buộc mình phải tắt máy đi và nghiêm giọng hỏi:

- Tại sao bộ phim này quý thế, giá trị thế mà các em lại không chú ý hả?

Tất cả đều nhăn mặt lắc đầu và một em đứng lên thưa:

- Thưa cô, vì bộ phim chiếu mãi mà chả thấy nàng Kiều xuất hiện ạ.

Mình giảng giải:

- Nãy giờ toàn chiếu nhân vật chính Thúy Kiều đấy thôi. Các em không nhận ra nàng đang hát à?

Tất cả liền nhao nhao lên:

- Không phải nàng Kiều đâu cô ! Chúng em nghĩ đó là mụ Tú Bà chứ nàng Kiều phải rất rất là đẹp cơ, đâu có già mà mập ú như vậy!

Mình nản luôn toàn tập...(!)

Sau đó, mình còn tìm kiếm mãi cả ở trên mạng nhưng được biết Việt Nam chưa có phim về Truyện Kiều, cho dù tác phẩm đã được ngợi ca như là “quốc hồn quốc túy”. Thật ra, nước ta đã từng có một bộ phim về Truyện Kiều được sản xuất từ năm 1924 nhưng khi công chiếu, kết quả thu được lại “không có giá trị gì, chả lột được đôi chút tinh thần Truyện Kiều,... mà có lẽ lại làm giảm mất cái chân giá trị đối với thế giới...”

Và sau này, nhà nước ta cũng có hai dự án phim lớn, đầu tư rình rang về Truyện Kiều nhưng tất cả sự chuẩn bị đành phải bỏ xó vì một lí do có lẽ là lớn nhất: Không chọn được diễn viên nào thích hợp để đóng vai nàng Kiều – nhân vật chính trong câu chuyện. Bởi nhân vật Thúy Kiều là một người có vẻ đẹp hoàn thiện hoàn mỹ cả về nhan sắc chim sa cá lặn, về sự đa tài cầm – kì – thi – họa, về óc thông minh thiên phú và tâm hồn lãng mạn, đa sầu đa cảm. Thử hỏi trên đời này làm gì có một người con gái Việt nào mà vừa trẻ trung, vừa sở hữu được tất cả các nét đẹp mang tính lý tưởng, lãng mạn như vậy chứ? Hoàn toàn không có đâu...! Cho nên, các đạo diễn dù có lặn lội đi tìm mục mắt cũng không ra. Này nhé, các cô hoa hậu vẻ ngoài thì đẹp đấy nhưng tài năng thì thảy không đạt yêu cầu. Còn các nữ diễn viên nhà ta tuy diễn xuất tốt nhưng hình thức lại không đạt. Trong tiềm thức của người Việt ta, nhân vật Thúy Kiều phải mang một vẻ đẹp hoàn hảo tuyệt đỉnh kia. Nếu như các nhà làm phim cứ chọn bừa diễn viên, e rằng họ sẽ bị “tiền mất tật mang”, khán giả sẽ ngoảnh mặt đi y như tụi học trò của mình kia và cuối cùng họ chỉ mua được sự chê bai của dư luận mà thôi.

Có lẽ chính vì vậy mà các dự án phim về Truyện Kiều cứ mãi “đắp chiếu” nằm đó từ bấy đến nay... Thật buồn và thật tiếc!

Gần đây, mình "bắc nồi chõ nghe hơi" có thông tin đạo diễn Luu Trong Ninh đang có ý định làm phim về Truyện Kiều. Vị đạo diễn này là một gương mặt sáng giá, thuộc top 10 đạo diễn tài năng nhất cả nước, lâu nay anh đang đầu tư xây dựng bối cảnh phim trường mang hồn Việt xưa. Phong Phạm Thị cũng như khán giả cả nước rất mong các nhà đạo diễn hãy cho ra lò bộ phim "quốc hồn quốc túy" này càng sớm càng tốt.

Mong lắm thay!!!

Phạm Thị Phong

Mời các bạn xem và gửi bình luận về chủ đề này ở bên dưới bài viết nhé. Và đừng quên xem thêm loạt thơ tình yêu rất hay và lãng mạn mà iini.net đã chia sẻ!
Các chủ đề khác:
  1. Chùm thơ tâm sự của Người Đàn Bà Cũ, thân xác không vẹn nguyên
  2. Tản Mạn Đàn Ông Việt: Nhiều người còn gia trưởng, coi thường Vợ
  3. Tản Mạn: Bò Chưa Hẳn Ngu Đâu Nhé! (trải nghiệm người chăn bò)
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Thảo Luận: Tại Sao Không Có Phim Về Truyện Kiều? trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-13T16:36:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-13T16:36:17Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 16 bình luận cho bài viết "Thảo Luận: Tại Sao Không Có Phim Về Truyện Kiều?"
  1. phim về Kiều mà làm thì chắc hot như Kim Bình Mai của Tàu chứ chả chơi
  2. Vì truyện Kiều phỏng tác theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Tàu, thì nó làm gì có được cái "quốc hồn, quốc túy" của dân Việt
  3. Chưa tìm đc người đóng nhân vật Thúy Kiều nên chưa làm phim đc
  4. Chuyển thể một kiệt tác, lại được lý tưởng hoá khó khăn hơn rất nhiều những văn bản đời thường. Sự mặc định, tư duy cố hữu đã nằm sâu trong ý thức, tiềm thức thì khó thay đổi. Bạn đã hỏi và lý giải luôn rồi đó.
  5. Bạn cho học trò xem phim “Long thành cầm giả ca” để thấy đc một phần nỗi truân chuyên của khách má hồng và thân phận 10 năm chìm nổi của Nguyễn Du cũng tốt. Đây cũng là gđ lịch sử đầy biến động.
  6. Là một người mê Truyện Kiều và ít nhiều hiểu biết về tác phẩm này, tôi thấy là phim về Truyện Kiều thật khó hay, không chỉ vì nàng Kiều trong thơ quá đẹp làm cho điện ảnh khó theo, mà chính là phim thì phải dựa vào cốt truyện của Kim Vân Kiều Truyện, không có gì thật đặc sắc. Cái hay của Truyện Kiều là ở lời thơ, ở văn chương, chứ ko phải ở cốt truyện. Bởi vậy, với Truyện Kiều, thì dựng Kịch thơ, kịch hát dân ca sẽ có nhiều ưu thế hơn phim truyện, vì lúc đó tác phẩm khai thác được cái hay văn chương của Truyện Kiều.
  7. Vì e có cách nhìn khác về Kiều mà tý bị úp mặt vào tường 😂
    Nói chung e ko thích Kiều...
  8. Chỉ giới làm phim mới nói ra hết được những yếu tố khó khăn để làm Kiều thôi cô ạ.
    Cháu có một bài viết về việc này nhưng để đâu mất rồi. Chung quy là:
    Nước ta không có nhiều bối cảnh cổ, kinh phí làm phim cổ trang cực lớn ( vài trăm tỉ may ra mới đủ), diễn viên đảm nhận vai Kiều gần như chưa thấy ai có thể đảm nhận, kỹ xảo nước nhà còn yếu kém, diễn viên quần chúng không đủ và không chuyên nghiệp.
    Nhưng hiện dự án Kiều do Đ.D Lưu Trọng Ninh đang triển khai rồi ạ.
  9. Phim Kiều dễ thất bại vì nhiều lý do. 1/ Nhân vật đã sống trong lòng dân Việt qua cách xây dựng và miêu tả quá tài tình tinh tế của Cụ Nguyễn Du, khó có người diễn nổi. 2/ Hồn cốt của Truyện Kiều không phải từ câu chuyện Kim Vân Kiều trong Đọạn Trường Tân Thanh của Thanh Tâm Tài Nhân , mà là từ tài hoa sử dụng ngôn ngữ dân tộc bằng thơ lục bát của Cụ Nguyễn Du.Cốt truyện của truyện Kiều khó làm được một phim hay , hấp dẫn,..
  10. Bạn à! Nguyễn Du thì đại tài rồi nhưng Kiều ko phải vậy đâu nhé! Mặt trái của Kiều là trộm cắp, ngu muội dễ bị lừa, trả thù tàn bạo, giết tất cả bọn Tú Bà, Mã, Bạc, Sở,...mặc dù ko có 400 Lạng vàng của Tú Bà liệu Vương ông có giữ nổi mạng. Tội Kiều là phá nát sự nghiệp của Từ Hải, hại chết chồng, lại ngủ với Hồ Tôn Hiến. Bao nghiệp chướng ấy mà còn ko đi tu lại quay về với Kim Trọng. Kiều là dân trung lưu thị thành Trung Quốc, ko đại điện gì cho phụ nữ Việt đâu nhé.
  11. Nói thiệt là xưa mình mê kiều và học thuộc lòng luôn chỉ vì mình mê thơ... chớ chuyện kiều nhạt nhẽo có gì hay ho
  12. Cái hay của Truyện Kiều là ở sự tinh tế của ngôn từ, bác học mà bình dân; ước lệ mà giàu hình tượng... nếu chuyển thành loại hình nt khác e ko chuyển tải được những cái đẹp đó...cho nên rất khó!
  13. Truyện Kiều hay nhưng muốn phát hành phim kiếm diễn viên đóng kiều rất khó phải diễn sao giống tâm trạng và hoàn cảnh không phải dễ
  14. Truyện Kiều là tác phẩm thơ. Truyện Kiều hay vì thơ chứ không phải là hay ở câu chuyện. Chưa kể câu chuyện lại ở Tàu mà là Tàu phong kiến.
    Truyện Kiều có chuyển thể thành cải lương, chèo... nhưng chỉ là các trích đoạn nhỏ và có thể chấp nhận được. Nếu dựng thành phim thì chỉ riêng phục trang chưa hẳn đã đúng. Chưa kể đa phần chuyện là các thói xấu tựa như Nhục bồ đoàn... Làm phim Kiều để ca ngợi cái gì, hay là tôn vinh lại phố đèn đỏ thờì trung cổ hay là quảng bá nghề vành ngoài bẩy chữ vành trong tám nghề. Hay là nước ta cần có dâm phim hoành tráng để đọ với các phim Nhục bồ đoàn, Kim Bình Mai của Tàu.
    Bất cứ đạo diễn nào định làm phim Kiều thì ông ấy có lẽ thần kinh nặng, dù có là LTNinh hay LTTinh thì cũng thế thôi, mà mời các ông ấy bỏ tiền túi ra mà làm.
  15. Có nhiều kịch bản chuyển thể từ Truyện Kiều, nhưng thiếu nhà đầu tư.
  16. Cái hay của Truyện Kiều là ngôn ngữ. Bỏ ngôn ngữ sang một bên nó chả còn cái gì (cốt truyện thì mượn của Tầu). Vậy nên các đạo diễn ngu gì mà đâm đầu vào đá. Hệ thống nhân vật trong truyện có hai loại: tả thực và ước lệ, tượng trưng. Có thể tìm được vai đóng Hoạn Thư hay Tú Bà, chứ tìm đâu ra nàng Kiều hay Từ Hải? Vả lại, điện ảnh và văn học là hai loại hình khác nhau, đừng kỳ vọng nói thay thế hay nói được cho nhau, tuy rằng điện ảnh mượn tác phẩn văn học để xây dựng kịch bản là việc nên làm. Trực quan trọng dạy văn không khéo thành thô thiển! Hãy để cho trí tưởng tượng trong việc đọc tâc phẩm văn chương của hs được làm việc, các nhà trường xin đừng tước cái quyền được tưởng tượng của trẻ trong học văn!
Gửi bình luận

Sửa bài đăng