Tự Sự: Ký Ức Về Những Người Thầy [viết nhân ngày lễ 20-11]

7/12/18
(iini.net) Đã gần 50 năm trôi qua kể từ ngày đầu tôi cắp sách đến trường. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mỗi ngày soi gương thấy tóc thêm vài sợi bạc… mà cứ cảm giác như mình vẫn chưa làm được một điều gì đó thật lớn lao, thật ý nghĩa để tri ân những thầy cô giáo cũ - những người đã nâng bước chân tôi, chuẩn bị hành trang kiến thức cho tôi để bước vào cuộc đời đầy những gian lao trắc trở này.

Ký ức về những người Thầy
Ký ức về những người Thầy (ảnh: internet)

Chuyện học hành của tôi giờ ngồi nghĩ lại cũng có nhiều sự tình cờ ngẫu nhiên đáng nhớ. Tỷ như, cả 10 năm phổ thông các lớp tôi học đều là thầy chủ nhiệm, rồi thì cả cấp 1, cấp 2 và cấp 3 mỗi cấp đều chơi thân nhất với một cô bạn tên Nga đến nỗi các bạn thường ghép tên chung “Nguyệt Nga”. Hồi nhỏ, thấy các lớp khác được học với cô giáo tôi thèm lắm. Các cô giáo thời đó hình như ai cũng tóc dài, uyển chuyển dịu dàng…trong tâm thức tôi, cô nào cũng đẹp và học trò nữ nào cũng muốn được giống các cô. Ngặt nỗi, chủ nhiệm lớp tôi toàn là thầy, mà tôi lại hay “bị” làm cán bộ lớp nên quanh năm suốt tháng phải họp hành, trao đổi với các thầy chủ nhiệm.
Ngày bé, tôi gầy gò ốm yếu, tuy làm lớp trưởng nhưng cũng hay bị các bạn lớn “bắt nạt”, thầy chủ nhiệm bao giờ cũng là người bênh vực, che chở cho cô bé cán bộ lớp hay khóc nhè này, thế nhưng trong lòng tôi không bao giờ nguôi ao ước được một năm học với cô giáo. Thích các cô giáo đến nỗi khi ngồi một mình tôi thường tưởng tượng cảnh mình là cô giáo với mái tóc dài, áo trắng cổ lá sen đang đứng trên bục giảng bài trước bao ánh nhìn ngưỡng mộ của học trò… Nhưng rồi theo năm tháng, tôi lớn dần lên và thấy việc giáo viên chủ nhiệm là nam hay nữ cũng không quan trọng nữa. Điều còn đọng mãi trong tôi là kỷ niệm về những người thầy đáng kính, miệt mài tháng năm với đàn em nhỏ, cho đến tận tuổi già vẫn sống cuộc đời đạm bạc, thanh cao.

Khi tôi bắt đầu vào lớp 1, gia đình tôi phải sơ tán về một vùng quê cách thành phố 5 km. Mẹ tôi kể khi tìm đến trường cấp 1 để xin học cho tôi thì không gặp thầy hiệu trưởng, mẹ đành phải về định hôm sau lại đến. Ra đến cánh đồng làng, gặp một người đàn ông trung niên ân cần chào hỏi mẹ và khi biết bà đến xin cho con vào lớp một, ông cởi mũ, ngồi xuống ngay ngay vệ đường cạnh ruộng lúa hí hoáy viết tên học sinh vào một cuốn sổ mang theo. Thì ra đó là thầy hiệu trưởng trường cấp 1 Nghi Phú – nơi tôi theo học hết 4 năm đầu tiên của đời học sinh. Thầy có cái tên rất “con gái”: Nguyễn Ngọc Uyển. Về nhà, mẹ tôi cứ tấm tắc khen mãi thầy hiệu trưởng sao mộc mạc bình dân đến thế. Bây giờ, nhìn cái cảnh phụ huynh xếp hàng, chen lấn trước cổng trường mỗi khi có con sắp vào lớp một chỉ để mua được một tờ đơn (nếu chậm chân là hết) sao mà khổ sở đến thế. Hiệu trường một trường phổ thông (nhất là các trường “có tiếng” một tý) thì thực sự như các “ông bà hoàng” bao người phải cậy cục nhờ vả mới tiếp xúc được để còn “gửi gắm” con cháu. Sau này, gia đình tôi sống gần nhà một vị hiệu trưởng. Ngày lễ, ngày Tết khách khứa ra vào tấp nập chẳng thua gì các quan chức cao cấp trong tỉnh. Thế mới biết ngày nay để lo cho “cái sự học” của con cái, các bậc phụ huynh phải khó khăn vất vả hơn ngày xưa biết bao…

Mái trường xưa
Mái trường xưa (ảnh: internet)

Thầy chủ nhiệm lớp Một của tôi tên Sửu. Năm đó thầy còn trẻ lắm, chắc vừa mới ra trường. Thầy ở nhờ trong một nhà dân cách trường học không xa lắm, chúng tôi thường được thầy cho về nhà chơi, bạn nào học kém thầy dạy thêm ngoài giờ (tất nhiên là không phải trả tiền như các cháu đi học thêm bây giờ).
Tết năm đó, cũng như bao gia đình khác, mẹ chuẩn bị “quà” để tôi đến tặng thầy. Không hiểu sao những năm đó, quà tặng thầy luôn là những trái cam. Có lẽ ở quê tôi nhiều nắng gió, sợ thầy cô giảng bài nhiều khan cổ, mệt mỏi hay sao mà quà tặng ngày lễ, Tết…đều là cam. Thời đó, ngày 20-11 có người còn gọi đùa là “ngày hiến cam các nhà giáo”. Mà nào có phải cam Mỹ cam Úc như bây giờ thì còn tính giá trị vật chất chứ cam quê tôi chỉ là một món quà rất đỗi bình thường, vả lại mỗi học trò cũng chỉ tặng thầy một quả cam mà thôi. Quả cam mua để tặng thầy giáo lớp Một năm đó mẹ dẫn tôi đi đến hai lần vẫn chẳng gặp thầy, lần thứ ba vào mồng Ba Tết khi tôi mang đến trao tận tay thầy đã rụng mất cuống. Thầy cảm động lắm, cứ kể mãi với lớp rằng em Nguyệt và phụ huynh đến chúc tết tôi mà phải đi đến 3 lần mới gặp. Quả cam tôi biếu cùng với cam của nhiều bạn khác thầy bổ ra cho cả lớp liên hoan. Vừa ăn chúng tôi vừa cãi nhau ì xèo, đứa nào cũng nhận là cam của mình ngọt nhất, to nhất.

Năm lớp Ba, thầy Hướng chủ nhiệm lớp tôi đồng thời là thầy hiệu trưởng. Thầy rất nghiêm và đòi hỏi lớp phải tuyệt đối kỷ luật thành ra cả lớp ai cũng sợ thầy. Một lần, bố thầy bị ốm nặng và thầy phải cho chúng tôi nghỉ học để chuẩn bị về quê thăm cụ. Cả lớp lập tức đến nhà thầy trọ, mỗi đứa mang theo một quả cam, tất cả chất lên một cái mâm mượn của bác chủ nhà. Vừa đi đâu về nhìn thấy chúng tôi đang lóng ngóng bên mâm cam, hỏi ra biết đó là quà của lũ học trò gửi về thăm ông, thầy đã xúc động đến rơi nước mắt. Ôi tấm lòng thơm thảo của học trò ngày ấy và hình ảnh những người thầy với nét ứng xử đời thường rất đỗi nhân văn đã trở thành một miền ký ức sâu nặng không thể mờ phai cứ theo tôi suốt những dặm dài năm tháng cho đến tận bây giờ.

Happy Teacher's Day
Happy Teacher's Day (ảnh: internet)

Thầy Bộ chủ nhiệm tôi năm lớp 5 thọat nhìn ai cũng tưởng chỉ là cậu một học sinh cấp 3 bởi cái dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo thư sinh ấy. Học trò nông thôn, mới lớp 5 nhưng đã có những anh chị 16, 17 tuổi cao lớn lực lưỡng và tính cách đã “ương ương dở dở” của tuổi mới lớn làm lắm khi thầy cũng lâm vào cảnh khó xử. Thầy giáo trẻ lại dạy văn, tính tình hiền lành hơi nhút nhát đã bao phen phải đỏ mặt với những kiểu đùa bạo dạn của họ. Nhiều lúc thầy chỉ biết lắc đầu và cùng đội ngũ cán bộ lớp (những học trò học giỏi mà lại bé người, bé tuổi) chào thua các anh chị ấy. Sau này thầy chuyển trường khác, nghe nói đã nhập ngũ và hy sinh ở chiến trường. Những kỷ niệm về thầy tôi viết lại thành một truyện ngắn gửi dự thi sáng tác văn học năm cấp 3 và được giải nhì, tiếc rằng hồi đó chỉ có một bản viết tay nên nên giờ không còn lưu lại.

Vào cấp 3 tôi học với thầy Tường, thầy Châu rồi thầy Khiêm. Thầy Tường chủ nhiệm năm lớp 8 là một giáo viên đã có tuổi, trầm tĩnh và kỹ lưỡng đến từng lời ăn tiếng nói. Thầy Châu trẻ dạy môn lịch sử không để lại dấu ấn gì sâu sắc cho lớp tôi. Lớp 10 thầy Khiêm chủ nhiệm dạy toán. Tuy nhiên, người thầy để lại cho tôi và nhiều bạn học sinh thời ấy những ấn tượng khó quên nhất là thầy Sâm dạy văn lớp 10. Thầy có vóc dáng cao to, mái tóc hơi bồng bềnh, giọng giảng bài sang sảng cuốn hút người nghe từ đầu đến cuối. Ở thầy hội tụ cả vẻ lịch lãm, đạo mạo của một nhà giáo và vẻ phong trần, phiêu lãng của giới nhà văn, nhà báo. Chính thầy đã truyền vào lớp tôi tình yêu văn học, đưa chúng tôi biết đến một khung trời mới với Chân – Thiện – Mỹ, thổi vào tâm hồn chúng tôi niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Tôi nhớ hồi đó lớp tôi tuy đầu vào tuyển chọn học sinh giỏi văn nhưng đến cuối cấp hầu hết các bạn đều chuyển sang học các môn tự nhiên để có điều kiện lựa chọn nhiều trường đại học. Đội ngũ học sinh giỏi toán lớp tôi cũng đông nhất khối, chỉ còn lại một số nhỏ vẫn kiên tâm chọn thi các môn khoa học xã hội. Nhưng không vì thế mà các tiết học văn kém phần sôi nổi và hấp dẫn. Cùng với người thầy giáo tài ba chúng tôi trải qua các tiết học văn thật nhẹ nhàng và thú vị. Dẫn đầu về điểm môn văn lúc đó trong lớp có tôi và bạn Dương Xuân Hồng, tuy nhiên có lẽ thầy Sâm quý tôi hơn vì ở tôi có chút gì đó “cái chất” của thầy. Một lần trong tiết trả bài kiểm tra, thầy nói: “Vẫn như thường lệ, điểm cao nhất của lớp mình là Xuân Hồng và Minh Nguyệt, nhưng tôi sẽ đọc cho các em nghe bài của Minh Nguyệt mặc dù bài của Xuân Hồng hơn Nguyệt một điểm. Tôi thích cái chất lãng tử, cách trau từ chuốt ngữ sinh động của MN mặc dù bài của Xuân Hồng viết chắc hơn, nhiều dẫn chứng hơn…nhưng văn là người, văn của Xuân Hồng cũng như bạn ấy – một cán bộ phụ trách lao động!”. Chắc thầy muốn khen tính cần cù chịu khó, chăm chỉ của Xuân Hồng nhưng sau câu nói rất thẳng này của thầy, Xuân Hồng tức mình chọn thi vào khoa văn ĐHSP Vinh và đã đỗ. Sau này bạn ấy làm tới chức hiệu trưởng một trường chuyên, còn cô học trò cưng Minh Nguyệt của thầy thì cứ long đong lận đận mãi trên con đường công danh sự nghiệp vì làm kỹ sư dầu khí mà chỉ ham hố chuyện văn chương…Có một điều luôn làm tôi hài lòng mỗi khi nhớ về là trước khi thầy Sâm mất 2 ngày, tôi đã từ Vũng Tàu về thăm thầy và kể thầy nghe về cuộc sống của mình, nỗi nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ những ngày tháng học trò khi không còn được sống ở quê hương.

Nét bút tri ân
Nét bút tri ân (ảnh: internet)

Từ 1965 tôi bắt đầu vào lớp 1 cho đến bây giờ, bao nhiêu ngày 20 tháng 11 đã trôi qua. Những náo nức của tuổi học trò, những tần tảo lo toan chu đáo khi đã làm phụ huynh và bây giờ khi đã bước vào tuổi làm bà, lòng tôi vẫn không nguôi xúc động khi nghĩ về những thầy cô giáo, những “người đưa đò” tận tâm đã chuyên chở bao thế hệ đi về phía tương lai còn mình vẫn âm thầm ở lại với công việc cũ cho dù lớp lớp người đi có kẻ quên, người nhớ …Những người thầy thân yêu của tôi nay đã già yếu, có người đã khuất núi…Xin các thầy hãy nhận từ con lời xin lỗi muộn màng vì có lúc chuyện áo cơm đã cuốn hút bước chân chẳng còn dịp trở về nơi xưa để gặp gỡ, thăm nom chăm sóc. Nhưng lòng con chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ, chưa bao giờ quên dù chỉ là chút kỷ niệm nhỏ nhoi với các thầy từ những ngày thơ bé. Con viết bài này như một lời tri ân đến tấm lòng các thầy cô, đến toàn thể những nhà giáo không chỉ trên đất nước Việt Nam mình mà khắp nơi trên trái đất…Vì con tin chẳng có ai vững bước trên đường đời mà thiếu đi trí tuệ và lòng tin được nhận từ những “kỹ sư tâm hồn” – những con người bình thường mà vĩ đại biết bao!

Nguyễn Thị Nguyệt
Gợi ý bài viết liên quan:
  1. 1001 bài thơ ca ngợi nghề giáo, nhớ ơn người lái đò thầm lặng
  2. 1001 hình ảnh thiệp chúc mừng 20-11 đẹp, ý nghĩa nhất
  3. Chùm Thơ ngắn nhớ về Tuổi Học Trò với Mái trường, Bạn bè, Thầy cô
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Tự Sự: Ký Ức Về Những Người Thầy [viết nhân ngày lễ 20-11] trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-07T14:28:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-07T14:28:44Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 1 bình luận cho bài viết "Tự Sự: Ký Ức Về Những Người Thầy [viết nhân ngày lễ 20-11]"
  1. Ngày xưa ở Hà Nội vào dịp này học sinh đi theo từng tốp hoặc chung cả lớp khá đông đến chúc mừng các Thầy Cô, cũng toàn mang cam N ạ. Nhưng chung nhau mua 1 túi. Nơi N mỗi trò mang 1 quả, Hoa thấy rất hay... Ngày ấy, sao tình Thầy trò đáng yêu thế nhỉ.

    Hôm nay “lớn nên người/Làm sao, có thể nào quên/Ngày xưa Thầy dạy dỗ/khi em tuổi còn thơ...”.
Gửi bình luận

Sửa bài đăng